Tin trong nước
Bệnh viêm loét dạ dày, tá tràng có chiều hướng tăng
Nếu môi trường không sạch sẽ, nguy cơ mắc nhiễm bệnh rất cao. Tại Việt Nam, có hơn 70% tỷ lệ người lớn và trên 39% trẻ nhỏ nhiễm HP cao.
Ngày 18/5, PGS.TS Nguyễn Thị Lâm - Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Việt Nam, cho biết tình hình bệnh nhân mắc bệnh viêm loét dạ dày, tá tràng đang có chiều hướng gia tăng ở Việt Nam, chiếm tỷ lệ khoảng 26% và thường đứng đầu trong các bệnh về đường tiêu hóa.
Đây cũng là căn bệnh khá phổ biến ở các nước đang phát triển, ước tính tỷ lệ bệnh gia tăng mỗi năm khoảng 0,2%.
Phân tích các yếu tố bệnh lý cho thấy, nguyên nhân mắc bệnh thường gặp ở những người hay lo lắng, sợ hãi, làm việc quá căng thẳng, người sống ở thành thị nhiều hơn ở nông thôn, những người làm việc trí óc, người bị đái tháo đường, hạ đường huyết, xơ gan…
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng nhấn mạnh đến yếu tố chính thường mắc bệnh là do nhiễm HP (Helicobacter pylori). Các enzym do HP giải phóng ra gây tổn thương đến niêm mạc dạ dày.
Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Việt Nam cho rằng nếu môi trường không sạch sẽ, nguy cơ mắc nhiễm bệnh rất cao. Tại Việt Nam, có hơn 70% tỷ lệ người lớn và trên 39% trẻ nhỏ nhiễm HP cao.
Các chuyên gia khuyến cáo, để không mắc bệnh viêm loét dạ dày, tá tràng, cần có chế độ ăn uống hợp lý (không nên ăn quá nhiều chất kích thích như quá chua hoặc quá cay; bữa ăn cuối cùng trước lúc đi ngủ phải cách ít nhất 4 giờ; không nên ăn quá nhiều canh dùng với bữa cơm…).
Thay vào đó, cần bổ sung các thực phẩm như sữa, trứng, phomát; thực phẩm giàu đạm chế biến qua luộc, hấp, om thì dễ hấp thu; thực phẩm ít mùi vị như tinh bột, cơm nếp nát, bánh mỳ; một ít dầu ăn sống có tác dụng bài tiết dịch vị… để phòng tránh bệnh.
Theo Kinh tế & Đô thị