Tin trong nước
Hôn mê sâu do nuốt hạt cườm
Ngày 13/5, BS Đinh Tấn Phương - Phó khoa Cấp cứu, Bệnh viện (BV) Nhi Đồng 1 TP.HCM - cho biết, BV này đang điều trị cho bé trai C.M.T. (bốn tuổi, Đồng Nai) bị hôn mê sâu do nuốt hạt cườm. Ngay khi phát hiện, người nhà đưa bé đến BV Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai để cấp cứu. Tại đây, các bác sĩ đã can thiệp, truyền dịch, đặt nội khí quản và chuyển sang BV Nhi tỉnh Đồng Nai. Ngay sau đó, bệnh nhi được chuyển lên BV Nhi Đồng 1.
BS Đinh Tấn Phương cho hay, khi nhập viện, dù bệnh nhi trong tình trạng chi ấm, mạch rõ nhưng lại hôn mê, phản xạ rất yếu ớt. Sau khi gắp dị vật là một hạt cườm bằng nhựa, đường kính cỡ 5-6mm nằm ở phế quản bên phải, cháu T. vẫn hôn mê. Các bác sĩ tiên lượng, khả năng phục hồi não của bệnh nhi khá thấp.
Các bác sĩ khuyến cáo, để trẻ không bị hóc dị vật đường thở, cha mẹ không nên cho trẻ chơi những đồ vật quá nhỏ, thậm chí không được đánh khiến trẻ khóc khi ăn, khi uống thuốc. Vì lúc trẻ khóc, phản xạ hầu họng mở ra; thức ăn, nước uống dễ rơi vào đường thở.
Nếu thấy trẻ đang chơi, đột ngột bị sặc sụa, tím tái, khó thở thì trước tiên phải nghĩ ngay đến hóc dị vật. Lúc này, kỹ năng sơ cứu vỗ lưng ấn ngực tại nhà rất quan trọng, vì mục đích của biện pháp vỗ lưng ấn ngực nhằm làm tăng áp lực trong lồng ngực đột ngột để đẩy dị vật ra khỏi khí quản, phế quản. Phụ huynh nên cho trẻ nằm sấp, đặt đầu thấp hơn và nằm trên cánh tay, rồi dùng gò bàn tay phải vỗ lưng năm lần nhanh và mạnh vào vùng giữa hai xương bả vai. Sau đó, lật trẻ nằm ngửa trên mặt phẳng cứng, nếu thấy trẻ hồng hào, hết khó thở thì dừng lại. Nếu trẻ còn khó thở thì dùng hai ngón (ngón trỏ và ngón giữa) ấn lên ngực năm lần. Nếu sau khi sơ cứu, trẻ vẫn chưa tỉnh, phụ huynh tiếp tục làm các thủ thuật trên từ 6 - 10 lần. Nếu trẻ ngưng thở, bắt buộc phải hà hơi thổi ngạt. Song song với sơ cứu, nên chuyển trẻ đến cơ sở y tế gần nhất.
Theo Phụ nữ