slogan

Hotline: 0903.731.120

Chào mừng đến với bệnh viện taimuihongonline.com.vn

Bệnh viện phòng khám taimuihongonline.com.vn chuyên khám bệnh tai mũi họng online, thư viện điện tử chuyên ngành sức khỏe, y tế. Bệnh viện ra đời với mục đích đóng góp phần nào vào sự hiểu biết của công chúng đối với các bệnh lý vùng tai mũi họng từ đó có kiến thức để tự bảo vệ mình, có hiểu biết đúng đắn về các bệnh ở vùng này để có biện pháp phòng tránh và điều trị thích hợp, có một quyết định đúng đắn trước vấn đề mổ hay không mổ.vv…

Phòng kh
ám taimuihongonline.com.vn tập hợp một số Giáo sư, Tiến sĩ, Bác sĩ chuyên khoa đã trải qua nhiều năm công tác trong lãnh vực tai mũi họng với mong muốn được mang những kiến thức, hiểu biết của mình ra phụng sự cho bệnh nhân. Những kiến thức mà chúng tôi cung cấp chỉ có tính chất tham khảo, không phải là chỉ định bắt buộc.

download

Tin trong nước

Bệnh da "lạ" không lây từ người sang người

Cập nhật: 14/05/2012

Chiều nay, 14/5, PGS.TS. Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế đã chủ trì cuộc họp báo thông báo về tình hình mắc hội chứng viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân tại huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, hội chứng viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân đã được ghi nhận từ ngày 19/4/2011. Tính đến ngày 13/5/2012, tại huyện Ba Tơ đã ghi nhận 205 trường hợp tại 5 xã là Ba Điền (195 trường hợp), Ba Ngạc (6 trường hợp), Ba Xa (2 ca) và Ba Vinh, Ba Tô (mỗi xã có 1 ca). Riêng tại xã Ba Điền đã ghi nhận 10 trường hợp tử vong. Bệnh ghi nhận ở 5 xã nhưng tập trung ở xã Ba Điền (95,1%), đặc biệt là ở làng Rêu (106 người), có 7 hộ có 100% thành viên trong gia đình đều mắc bệnh), tất cả bệnh nhân đều là người H’re. Bệnh có biểu hiện là viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân. Hầu hết bệnh nhân có men gan tăng trên cơ địa tình trạng dinh dưỡng kém, thiếu máu là phổ biến.

 

Đặc biệt, từ đầu năm 2012 đến nay, đã ghi nhận 115 trường hợp tại 3 xã là Ba Điền (109 trường hợp), Ba Ngạc (5), Ba Tô (1), trong đó có 34 trường hợp bị lại; 9 trường hợp tử vong đều ở xã Ba Điền. Hiện tại số bệnh nhân đang được điều trị là 33 ca.

Tại cuộc họp báo, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh, kết quả qua các đợt điều tra, khảo sát và đánh giá các mẫu xét nghiệm đã làm cho thấy: Chưa tìm thấy bằng chứng cho thấy bệnh nhiễm từ không khí, nguồn nước hoặc lây từ người sang người. Các mối nguy cơ do vi khuẩn, virut từ các mẫu xét nghiệm đất, nước, lương thực thực phẩm cũng được loại trừ do không có hội chứng nhiễm trùng. Xét nghiệm xác định các mẫu máu bị bệnh tại trường Đại học Nagasaki bằng kỹ thuật Pyro - sequencing so sánh với ngân hàng gen trên 240 loài virut, vi khuẩn cũng cho thấy không có tác nhân gây bệnh truyền nhiễm.

Các nghiên cứu dịch tễ cũng không phát hiện thấy hóa chất bảo vệ thực vật bao gồm họ carbamate, chlor hữu cơ, phosphor hữu cơ họ cúc tổng hợp tại các mẫu đất, nước, gạo đã xét nghiệm. Các kim loại nặng bao gồm cả arsen, chì, thủy ngân, cadimi, đồng và một số kim loại khác ở mức giới hạn cho phép trong số các mẫu đất, nước, lương thực kể cả các mẫu máu, tóc, móng tay, vảy da đã xét nghiệm. Tuy nhiên, có nhiều cá thể ve, mò mạt, bọ chét (khoảng hơn 200 loài) đã được tìm thấy trong môi trường và vật nuôi.

Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng phát hiện thấy có nhiều loại nấm mốc và Aflatoxin trong các mẫu lúa ủ, gạo ủ của người dân. Aflatoxin được y văn nói tới là một tác nhân gây suy gan, suy giảm hệ thống miễn dịch, gan nhiễm mỡ, hoại tử tế bào nhu mô gan và có thể gây ung thư gan.

Các hội đồng khoa học đã xác định: Hội chứng viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân nhiều khả năng liên quan đến nguyên nhân nhiễm độc trên cơ địa người bệnh có tình trạng dinh dưỡng kém (94 mẫu đã xét nghiệm cho thấy có tình trạng thiếu vitamin B3 trong máu).

Qua các đợt kiểm tra thực tế, Bộ Y tế xác định có 3 vấn đề cần tập trung để giải quyết bệnh lạ là: đẩy mạnh các biện pháp giảm tử vong, giảm số ca mắc và điều tra căn nguyên. Trong quá trình điều tra nghiên cứu và điều trị, các cơ quan chuyên môn cũng đã tham vấn các chuyên gia quốc tế, phối hợp với các phòng thí nghiệm chuẩn thức quốc tế trong việc phân tích các mẫu thu được trên thực địa.

Hiện nay, hàng ngày vẫn có các y, bác sĩ của BV Phong - Da liễu Quy Hòa và BV Da liễu TƯ thường trực tại huyện Ba Tơ, xã Ba Điền để hỗ trợ ngành y tế địa phương chủ động, sẵn sàng chăm sóc và điều trị cho người bệnh. Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện C Đà Nẵng hỗ trợ đào tạo chuyển giao kỹ thuật lọc máu và hồi sức cấp cứu người lớn; Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM hỗ trợ kỹ thuật lọc máu hồi sức cấp cứu trẻ em.

Việc can thiệp cộng đồng và đảm bảo khoáng chất cho người dân về dinh dưỡng, thực phẩm là cần thiết vì vậy Bộ Y tế đã cử các chuyên gia về vấn đề này đến Quảng Ngãi từ tháng 4/2012. Trong ngày 13/5, đoàn công tác của Bộ Y tế gồm các chuyên gia đầu ngành về dự phòng, dinh dưỡng, thực phẩm tiếp tục vào Ba Tơ để triển khai các giải pháp về dinh dưỡng, thực phẩm cho người dân ở đây.

Quan điểm của Bộ Y tế là luôn cố gắng tìm ra căn nguyên để giải quyết tốt nhất vấn đề bệnh lạ. Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết ngay từ tháng 4/2011, Bộ Y tế đã chỉ đạo ngành y tế Quảng Ngãi triển khai các biện pháp phun khử trùng môi trường đến từng hộ gia đình trong xã. Tiến hành tẩm màn, phát màn, chiếu mới cho người dân. Cấp phát cơ số thuốc nâng cao thể trạng, tẩy giun sán cho người dân trên địa bàn. Hỗ trợ kinh phí khám và điều trị cho người bệnh. Vận động người dân đến khám và điều trị tại các cơ sở y tế. Tuyên truyền nhằm ổn định tư tưởng cho người dân.

Về vấn đề giải quyết chế độ cho người bệnh, PGS.TS Phạm Lê Tuấn- Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ Y tế cho biết, Bộ Y tế vừa bổ sung thêm các thuốc, vitamin để cấp cho người bệnh. Đồng thời đã cấp xe cứu thương cho Trung tâm y tế huyện Ba Tơ phục vụ cấp cứu và chuyển bệnh nhân, cấp máy lọc máu và máy xét nghiệm sinh hóa cho Sở Y tế Quảng Ngãi phục vụ công tác xét nghiệm và điều trị người bệnh.

Trả lời câu hỏi của báo chí liên quan đến phác đồ điều trị bệnh viêm da lạ, PGS.TS. Nguyễn Thanh Long cho rằng: không thể khẳng định là phác đồ mới không hiệu quả. Trong y học có những bệnh chúng ta không tìm được nguyên nhân nhưng vẫn phải điều trị ngay như bệnh cao huyết áp, hội chứng thận hư... Ngành y tế không đợi chờ tìm nguyên nhân mà ngay từ đầu đã chủ động vào cuộc, áp dụng các biện pháp cần thiết để giảm tối đa số ca mắc cũng như số ca tử vong.

PGS.TS. Lương Ngọc Khuê- Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh cũng cho biết, quan điểm của Bộ Y tế vẫn là phát hiện sớm, giảm số ca mắc, giảm tử vong. Bộ Y tế đã chỉ đạo tất cả bệnh nhân nặng đều được chuyển về BVĐKTW Huế để điều trị.

Về vấn đề điều tra căn nguyên gây bệnh, hiện việc điều tra trên thực địa đã hoàn tất và Bộ Y tế đang tiếp tục triển khai nghiên cứu trên labô của Việt Nam và các tổ chức quốc tế. Đồng thời, tích cực triển khai các biện pháp can thiệp giảm tử vong và giảm số mắc. Bộ Y tế nhận định, với các can thiệp tích cực đã và sẽ triển khai, số tử vong trong thời gian tới sẽ giảm. Tuy nhiên việc giảm mắc sẽ chậm hơn do hiện tại có thể các tác nhân gây bệnh đã nhiễm trong phần lớn cộng đồng người dân tại đây và phát bệnh trong thời gian tới, nhưng khi các tác nhân gây bệnh được can thiệp, loại trừ thì các trường hợp mắc sẽ được giảm.

                                                                                                                                                                        Theo Suckhoe&doisong

Tin liên quan