Tin trong nước
Hội chứng não cấp do ngộ độc chì có tỷ lệ tử vong rất cao
Trước tình trạng trẻ bị ngộ độc chì mà chưa có phác đồ điều trị, Bộ Y tế ban hành Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị ngộ độc chì áp dụng tại tất cả các tuyến.
Theo Bộ Y tế, không chỉ dùng các loại thuốc nam uống, bôi (dân gian gọi là thuốc cam, thuốc tưa lưỡi…) chứa chì mới có nguy cơ ngộ độc chì, mà có thể nhiễm chì qua nhiều nguồn tiếp xúc khác nhau.
Ví như trẻ chơi đồ chơi dùng sơn chì, nhiễm chì từ môi trường sống như bụi từ sơn chì cũ, đất bị nhiễm chì, ô nhiễm từ hoạt động công nghiệp, nhiễm chì từ thực phẩm là đồ hộp có chất hàn gắn hộp sử dụng chì, sử dụng các đồ gốm sứ, thủ công có chì, những người làm các nghề có nguy cơ cao phơi nhiễm chì…
Tuy nhiên, để khẳng định một người có ngộ độc chì hay không bắt buộc phải tiến hành xét nghiệm máu để khẳng định.
Theo một bác sĩ điều trị tại Trung tâm chống độc, thời gian qua, nhiều trẻ bị ngộ độc chì được đưa đến đây khám thì trước đó đều đã khám ở tuyến cơ sở nhưng chỉ được chẩn đoán là suy dinh dưỡng, thiếu máu, động kinh… còn không phát hiện ra tình trạng ngộ độc chì, bởi các bác sĩ không nghĩ đến khả năng này để tiến hành xét nghiệm hàm lượng chì trong máu.
Vì thế, trong hướng dẫn chẩn đoán bệnh, Bộ Y tế lưu ý các tuyến cơ sở cần chú ý biệt chẩn đoán giữa ngộ độc chì với các nguyên nhân gây bệnh lý não, màng não; phân biệt với các bệnh lý thần kinh, ngoại biên; phân biệt với các bệnh thiếu máu do các nguyên nhân khác; phân biệt với các nguyên nhân đau bụng cấp không do chì và phân biệt với trẻ bị suy nhược cơ thể.
Mức độ ngộ độc chì ở trẻ em được chia làm ba cấp. Ở mức độ nhẹ, bệnh rất kín đáo không có triệu chứng và chỉ được khẳng định khi có kết quả xét nghiệm máu. Ở mức độ trung bình, bệnh nhân đã bắt đầu có các biểu hiện tiền bệnh lý não, với các dấu hiệu như tăng kích thích, ngủ lịm từng lúc, bỏ chơi, quấy khóc. Đồng thời bệnh nhân cũng có biểu hiện tiêu hóa như nôn từng lúc, đau bụng, chán ăn.
Còn ngộ độc chì ở mức độ nặng, bệnh nhân đã có biểu hiện bệnh lý não với các dấu hiệu thay đổi hành vi, co giật, hôn mê, liệt dây thần kinh, tăng áp lực nội sọ. Biểu hiện tiêu hóa sẽ thấy bệnh nhân nôn kéo dài, đồng thời có biểu hiện thiếu máu, thiếu sắt.
Ngoài căn cứ vào dấu hiệu lâm sàng, khi bệnh nhân nghi ngờ nhiễm chì, cơ sở y tế cần xét nghiệm máu bởi cấp độ bệnh nhẹ - trung bình – nặng ngoài dựa vào các triệu chứng lâm sàng thì phải căn cứ vào hàm lượng chì trong máu.
Khác ở trẻ em, ngộ độc chì ở người lớn được chia làm bốn cấp độ với những hướng dẫn chi tiết về triệu chứng, dấu hiệu và tiêu chí về hàm lượng chì trong máu.
Bộ Y tế lưu ý, những bệnh nhân ngộ độc chì từ trung bình đến mức độ nặng đều phải nhập viện điều trị. Hướng dẫn điều trị được hướng dẫn rất chi tiết từng loại thuốc, hàm lượng với từng đối tượng từ trẻ em, người lớn, phụ nữ mang thai… Các biến chứng, tác dụng phụ của từng loại thuốc điều trị ngộ độc chì cũng được chỉ ra và hướng dẫn chi tiết cách xử lý.
Ngoài ra, các phương pháp điều trị để hạn chế hấp thu chì như rửa dạ dày, rửa ruột toàn bộ… cũng được hướng dẫn chi tiết cho từng trường hợp.
Bộ Y tế đánh giá ngộ độc chì rất nguy hiểm, nhất là ở trẻ em. Ở trẻ em ngộ độc chì với nồng độ chì trong máu > 70 µg/dL thường gây hội chứng não cấp ở trẻ nhỏ. Trong khi đó, hội chứng não cấp dễ gây tử vong hoặc di chứng thần kinh, tâm thần nặng nề với tỷ lệ tử vong là 65% khi chưa có thuốc gắp chì và giảm xuống <5% khi có thuốc gắp chì có hiệu quả. Khoảng 25 - 30% trẻ sẽ bị di chứng vĩnh viễn gây chậm phát triển trí tuệ, co giật, mù, liệt…
Tuy nhiên nguy hiểm ở chỗ, phần lớn các trẻ có chì máu tăng nhưng không có triệu chứng rõ và vẫn có nguy cơ để lại di chứng về trí tuệ, thể chất. Vì thế, nếu có nguy cơ nhiễm độc chì từ thuốc nam, môi trường sống… nên đưa trẻ tới bệnh viện kiểm tra để được xét nghiệm máu khẳng định.
“Với hướng dẫn chi tiết, cụ thể của Bộ Y tế, bệnh nhân hoàn toàn có thể được phát hiện bệnh và điều trị ngay ở tuyến cơ sở”, một bác sĩ Trung tâm chống độc (BV Bạch Mai) cho biết.