Tin trong nước
Bác sĩ gia đình ‘Chưa đủ giỏi thì dân khó tin tưởng’
Cùng với việc lập bệnh viện vệ tinh, đưa người bệnh xuống bệnh viện tuyến dưới điều trị, dự án bác sĩ gia đình đang được Sở Y tế TP HCM xây dựng, như giải pháp giúp người dân được chăm sóc sức khỏe tốt hơn, đồng thời giảm tải cho bệnh viện.
Bác sĩ Nguyễn Hoài Nam, Trưởng phòng Nghiệp vụ Y, Sở Y tế TP HCM cho biết, mô hình bác sĩ gia đình đã được ấp ủ từ nhiều năm nay nhưng vẫn chưa thực hiện được. Tuy nhiên trong thời gian sớm nhất, dự án này sẽ được khôi phục và triển khai.
Tiến sĩ - bác sĩ Nguyễn Thanh Hiệp, Phó chủ nhiệm Bộ môn Y học gia đình, Trường đại học y khoa Phạm Ngọc Thạch cho biết, đã có 250 sinh viên y đang theo học tại trường được đào tạo chuyên ngành bác sĩ gia đình. Số bác sĩ này đã được trang bị những kiến thức cần thiết để có thể đảm nhận nhiệm vụ.
Theo ông Hiệp, mục tiêu của bác sĩ gia đình là chăm sóc sức khỏe tổng quát, toàn diện và liên tục. Tức theo lý thuyết, bác sĩ phải nắm rõ người bệnh của mình từ khi ra đời đến khi họ qua đời.
“Chính vì thế, bác sĩ gia đình không chỉ là những người có kiến thức tổng quát về các chuyên khoa về nội ngoại, sản nhi, nhiễm, mà họ còn được đào tạo kỹ năng giao tiếp, nắm nắt tâm lý để chăm sóc tinh thần cho người bệnh”, ông Hiệp nói.
Cũng theo ông Hiệp, không chỉ điều trị khi bệnh nhân bắt đầu phát bệnh, bác sĩ gia đình còn là người tư vấn dự phòng, giải quyết các yếu tố nguy cơ cho bệnh nhân.
Giáo sư Didier, đại diện Đại học Liege - Vương quốc Bỉ, người từng làm việc với Sở Y tế TP HCM cho biết, tại đất nước ông, hơn 90% người dân được chăm sóc bởi bác sĩ gia đình và việc làm này giúp người bệnh được chăm sóc tốt hơn.
Theo ông Didier, cho rằng các bệnh viện đa khoa và phòng cấp cứu tại TP HCM hoạt động rất vất vả để có thể đáp ứng nhu cầu chữa bệnh cho hơn 9 triệu dân của thành phố và còn nhiều tỉnh khác đến.
Chính vì thế theo ông, sự có mặt của bác sĩ gia đình sẽ giúp việc chăm sóc sức khỏe ban đầu hiệu quả hơn. Khi ấy các bệnh viện chuyên khoa chỉ tập trung xử trí những ca bệnh khó và đóng vai trò là tuyến trên thực sự.
Tiến sĩ - bác sĩ Lê Trường Giang, Chủ tịch Hội Y tế cộng đồng TP HCM, nguyên phó giám đốc Sở Y tế TP HCM - người nhiều năm ấp ủ hình thành mô hình bác sĩ gia đình cho biết, đây là mô hình lý tưởng và hữu ích, tuy nhiên vẫn còn nhiều điều phải bàn.
Theo ông Giang, mô hình bác sĩ ở TP HCM nên khác với các nước phương Tây. “Đất nước họ không có trạm y tế phường xã, do đó bác sĩ gia đình là những người làm phòng khám tư. Còn ở Việt Nam, bác sĩ gia đình sẽ là những người làm việc ở cơ sở y tế gần nhất với dân. Đó chính là các trạm y tế phường xã”, ông Giang nói.
Ông Giang cho rằng, khi làm việc ở trạm y tế, các bác sĩ vừa gần với dân hơn, vừa có điều kiện làm việc cả ngày chứ không chỉ làm việc ngoài giờ. Điều này giúp bác sĩ có nhiều thời gian để tiếp xúc với người bệnh hơn.
“Bác sĩ gia đình sẽ là những người có thể nhận định đúng bệnh và kết nối liên thông với tuyến trên, tức sẽ đánh giá bệnh, cần chữa trị ở đâu, giúp người bệnh tránh cảnh chờ đợi không cần thiết”, ông Giang nói.
Muốn làm được điều đó, theo ông Giang, cùng với việc đào tạo nhân lực, cần phải đầu tư nâng cấp trạm y tế, chế độ bảo hiểm y tế. Đồng thời mô hình bác sĩ gia đình không chỉ áp dụng cho TP HCM mà phải được triển khai ở các tỉnh lân cận.
Từng cử bác sĩ học chuyên khoa bác sĩ gia đình để làm việc tại bệnh viện, bác sĩ Trần Văn Khanh, Giám đốc Bệnh viện quận 2 cho rằng, điều quan trọng hơn cả là bản thân bác sĩ gia đình phải đủ giỏi, đủ kinh nghiệm để tạo được lòng tin cho người bệnh.
“Trạm y tế đã được đầu tư nhưng bác sĩ chưa đủ giỏi thì người dân cũng khó tin tưởng”, ông Khanh nói.
Theo Vnexpress