Tin trong nước
Người lớn bị viêm não, viêm tụy do quai bị
Quai bị thường gặp ở trẻ nhỏ nhưng hiện tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư, tỷ lệ nam thanh niên bị quai bị chiếm tới 70% và hầu hết nhập viện trong tình trạng biến chứng viêm não, viêm tụy cấp... Người lớn bị quai bị cần phải theo dõi sau 5 năm.
Anh Nguyễn Văn H. (30 tuổi ở Hà Nội) tự nhiên thấy người mệt mỏi, ăn kém, sau đó đau bụng dữ dội buồn nôn, huyết áp tụt. Tưởng bệnh ngoại khoa gia đình đưa đi cấp cứu, sau đó được chuyển tới Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư với chẩn đoán viêm tụy cấp do quai bị biến chứng.
Nói chung, bệnh quai bị có diễn biến lành tính các triệu chứng thoái lui trong vòng khoảng 10 ngày và không để lại di chứng gì. Nhưng đối với bệnh nhân lớn tuổi thường cường độ các triệu chứng toàn thân (sốt, đau đầu...) tăng hơn, các biến chứng hay gặp hơn và thường có thể để lại hậu quả xấu. Viêm tinh hoàn và mào tinh hoàn là biến chứng thường gặp nhất với tỷ lệ 20 - 35% và 50% trong số này tinh hoàn teo dần, tinh binh giảm và vô sinh.
Nhồi máu phổi là biến chứng có thể xảy ra sau viêm một tinh hoàn do quai bị vì hậu quả của huyết khối từ tĩnh mạch tiền liệt tuyến. Viêm tụy có tỷ lệ 3 - 7%. Ngoài ra, bệnh nhân bị viêm não, viêm cơ tim, viêm tuyến giáp, viêm tuyến lệ, viêm thần kinh thị giác (gây giảm thị lực tạm thời), viêm thanh khí phế quản, viêm phổi, rối loạn chức năng gan, xuất huyết do giảm tiểu cầu...
Biện pháp điều trị quai bị duy nhất là điều trị triệu chứng bằng thuốc hạ nhiệt, thuốc giảm đau khi đau nhiều và thuốc chống viêm. Ăn lỏng khi bệnh nhân nhai và nuốt đau. Giữ vệ sinh răng miệng. Khi có biến chứng viêm tinh hoàn bệnh nhân cần được nằm nghỉ, sử dụng dụng cụ đeo nâng bìu hoặc mặc quần "nhỏ" chật.
Trường hợp đau nhiều có thể chườm túi đá, dùng các thuốc chống viêm. Khi có biểu hiện biến chứng cần đến ngay bác sĩ. Cách phòng chống quai bị là tiêm văcxin ở trẻ nhỏ và nhắc lại ở người lớn.
Theo Kienthuc.net.vn