Tin trong nước
TP.HCM: Xuất hiện ca tử vong do tay chân miệng
Sau một năm diễn biến phức tạp về bệnh tay chân miệng năm 2011, TP.HCM đã có 23 ca tử vong về bệnh này. Từ đầu năm đến nay, TP.HCM đã khống chế bệnh tốt, hạn chế số ca tử vong, tuy nhiên đã có một bệnh nhi 20 tháng tuổi vừa tử vong vì bệnh tay chân miệng. Đây là ca tử vong đầu tiên sau tết nguyên đán đến nay.
Ngày 29/3, BS Nguyễn Đắc Thọ, Phó giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng TP.HCM cho biết, TP.HCM đã có một bệnh nhi mắc bệnh tay chân miệng tử vong.
Bệnh nhi là bé Nguyễn Quỳnh Nh. (nữ, 20 tháng tuổi, ngụ đường Rạch Bùng Binh, tổ 26, khu phố 3, phường 9, quận 3, TP.HCM), bệnh nhân học ở lớp 2A trường Mầm non 9, phường 9, quận 3, TP.HCM, nhập viện tối 25/3 do sốt, ói, nổi bóng nước ở lòng bàn tay, được chẩn đoán bệnh tay chân miệng.
Bệnh nhi đã tử vong sau 36 tiếng nhập viện (tử vong lúc 4h30 ngày 27/3) với chẩn đoán bệnh tay chân miệng độ 4, biến chứng tổn thương đa cơ quan.
Gia đình bệnh nhi có 5 người và chỉ có một mình bé dưới 5 tuổi, khu vực xung quanh nhà ca bệnh chưa phát hiện trường hợp mắc tay chân miệng trong vòng 2 tuần qua. Tuy nhiên, theo điều tra tình hình dịch tễ tại trường Mầm non 9 có 4 lớp học gồm 117 trẻ, tính đến ngày 27/3 trường có thêm 2 ca trong đó có 1 ca (cùng lớp với ca tử vong). Trường đã thực hiện vệ sinh khử trùng bằng dung dịch Chloramin B 25% tại tất cả các lớp học, cho lớp 2A nghỉ học 2 tuần. Tăng cường thực hiện rửa tay thường xuyên bằng xà phòng cho trẻ và cô nuôi dạy trẻ. Ngâm rửa đồ chơi, vật dụng của trẻ bằng xà phòng mỗi ngày và bằng dung dịch Cloramin B.
Trạm y tế phường 9 khám tầm soát tại trường vào các buổi sáng để phát hiện trẻ bệnh và cho các học sinh có triệu chứng bệnh nghỉ học và đề nghị đi khám. Nhân viên khoa Kiểm soát dịch bệnh quận 3 và Trung tâm Y tế phường 9 thực hiện công tác giám sát vệ sinh khử khuẩn hàng ngày tại trường.
BS Thọ hiện nay cách phòng ngừa bệnh tay chân miệng cho trẻ tốt nhất là phải giữ vệ sinh cho trẻ, nhà cửa, đồ chơi, đồ dùng của trẻ và cả gia đình, rửa tay là điều làm thường xuyên. Khi phát hiện bệnh phải đưa trẻ đến cơ sở y tế để được thăm khám. Những gia đình có trẻ dưới 5 tuổi phải cực kỳ lưu ý, những gia đình có trẻ dưới 3 tuổi hãy liên hệ các trạm y tế phường/xã để nhận dung dịch sát khuẩn Chloramin B về làm vệ sinh đồ dùng, nhà cửa...
Theo Kienthuc.net.vn