Tin trong nước
Lao động nữ được nghỉ thai sản 6 tháng
Vợ sinh con, chồng được nghỉ có lương 2 ngày, nữ lao động được nghỉ thai sản 6 tháng; tăng thêm 1 ngày nghỉ tết... Đó là những thông tin đáng chú ý khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) chiều qua, 27-3.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai, cơ quan thẩm tra đề xuất người lao động nữ được nghỉ trước và sau khi sinh con là 6 tháng. Trường hợp lao động nữ sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ 2 trở đi, cứ mỗi con, người mẹ được nghỉ thêm 1 tháng. Trường hợp lao động nữ chết sau khi sinh con thì chồng được nghỉ để chăm sóc con đến khi con đủ 6 tháng. Khi vợ sinh con, người chồng được nghỉ có hưởng lương 2 ngày… Đối với việc nghỉ Tết âm lịch, thời gian nghỉ được tăng thêm 1 ngày (từ 4 lên 5 ngày). Về số giờ làm thêm, tiếp thu ý kiến ĐBQH, cơ quan thẩm tra đưa ra 2 phương án. Ở phương án 1, số giờ làm thêm tối đa là không quá 200 giờ/năm. Phương án 2 đề nghị tối đa không quá 360 giờ/năm.
Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Đặng Ngọc Tùng tỏ ra chưa yên tâm với quy định thang lương, bảng lương của doanh nghiệp tới đây sẽ không được gửi tới cơ quan quản lý lao động. Về thời hạn của hợp đồng lao động, ông Tùng đề nghị không nên quy định hợp đồng lao động có thời hạn ký lần thứ 2 có thời hạn tối đa tới 72 tháng. Ông nói: “Như vậy sẽ rất thiệt thòi cho người lao động làm những công việc đơn giản và nặng nhọc trong các ngành da giày, dệt may, thủy sản… Chủ sử dụng có thể tận dụng sức lao động trong khoảng 6 năm và sau đó thải hồi, không bao giờ ký hợp đồng không thời hạn với người lao động”. Về giờ làm thêm, ông Đặng Ngọc Tùng khẳng định: “Tăng giờ làm thêm tối đa chỉ là mong muốn của giới chủ, chứ để có thêm thu nhập thì người lao động chỉ muốn tăng lương”.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng lưu ý, về lâu dài, việc “cào bằng” tiền lương tối thiểu của mọi đối tượng lao động là không hợp lý. “Nên có quy định riêng về mức sàn lương cho công chức, viên chức vì định nghĩa về tiền lương tối thiểu không phù hợp để áp dụng cho những đối tượng này”. Chủ tịch Quốc hội đồng tình với việc trao quyền xây dựng thang lương, bảng lương cho doanh nghiệp, nhưng yêu cầu Chính phủ ban hành các quy định hướng dẫn, đồng thời siết chặt công tác thanh tra, kiểm tra để kịp thời phát hiện những trường hợp bất hợp lý, thiệt thòi cho người lao động.
Sáng 27-3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 3 của Quốc hội. Tại kỳ họp này, dự kiến Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 13 dự án luật và 1 dự thảo nghị quyết; vẫn cho ý kiến về 7 dự án luật. Văn phòng Quốc hội đề xuất, để tăng cường thông tin về hoạt động của Quốc hội đến với cử tri, nhân dân cả nước, ngoài những nội dung được phát thanh, truyền hình trực tiếp theo thông lệ, một số nội dung khác như Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế và các dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi), Luật Xử lý vi phạm hành chính cũng sẽ được phát thanh, truyền hình trực tiếp. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý tán thành cao việc truyền hình trực tiếp thêm nhiều nội dung của kỳ họp Quốc hội. Ông đề xuất thêm một số nội dung như các dự án Luật Giáo dục đại học, Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá và Đề án đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh, ông Nguyễn Kim Khoa cho rằng, một số vấn đề trong lĩnh vực giao thông hiện đang rất “nóng”, được người dân cả nước quan tâm. Do đó, “đề nghị Chính phủ báo cáo về tình hình thực hiện Nghị quyết của Chính phủ về an toàn giao thông; thu phí, lệ phí giao thông đường bộ và kết quả của việc điều chỉnh giờ học, giờ làm ở một số thành phố lớn”.
Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Văn Pha cho biết, dư luận rất quan tâm đến việc bỏ phiếu tín nhiệm đối với các chức danh được Quốc hội bầu và phê duyệt. “Nên rà soát, chuẩn bị kỹ cơ sở pháp lý cho việc này và tiến hành sớm để củng cố niềm tin của nhân dân”. Về đề xuất thu phí hạn chế phương tiện giao thông, ông Nguyễn Văn Pha cho biết đã nhận được không ít ý kiến trái chiều. Cũng nói về vấn đề dư luận quan tâm, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cho rằng, Quốc hội nên giải quyết dứt điểm vấn đề tư cách đại biểu của ĐBQH Đặng Thị Hoàng Yến, đừng để “chìm xuồng”, gây ra dư luận không tốt.