Tin trong nước
Ghép tạng – Cứu người từ cõi chết trở về
Đã có 12 ca ghép thận, 2 ca ghép tim và 3 ca ghép gan được tiến hành ghép tại BV Việt Đức với chi phí rẻ chỉ bằng 1/3 so với nước ngoài.
PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết, GĐ BV Việt Đức hồ hởi khi nói về thành công của những ca ghép này nhưng ánh mắt vẫn ẩn khuất suy tư vì bệnh nhân chờ ghép tạng ngày một tăng lên trong khi nguồn tạng quá khan hiếm.
Hôm qua 8/3, hưởng ứng ngày toàn thế giới phòng chống bệnh thận, BV Việt Đức đã tổ chức mít tinh với chủ đề: Hiến tặng mô, tạng - Hồi sinh sự sống, trong đó có sự góp mặt của những cá nhân, gia đình người cho và nhận tạng.
Bệnh nhân Nguyễn Văn Giác (Q. Lê Chân, Hải Phòng) là một trong những người đầu tiên may mắn được ghép tim hồi sinh sự sống. Bác Giáp kể: “Hồi tháng 9/2009, tôi bị cảm lạnh phải vào viện kiểm tra, các bác sĩ cho biết bị bệnh tim. Sau đó là quãng thời gian triền miên ra ra vào vào BV, về nhà nhiều thì được một tháng có khi chỉ một tuần lại vào viện điều trị nhưng kết quả chẳng khả quan là mấy”
Qua nhiều tháng ròng điều trị, các bác sĩ Hải Phòng đã giới thiệu bệnh nhân lên BV Việt Đức để đăng ký được ghép tim thay thế. Tháng 4/2011, sau gần 2 năm phát hiện bệnh, may mắn đã mỉm cười với bác vì có nguồn tạng phù hợp để ghép.
“Trước khi phẫu thuật ghép tim tôi chỉ nặng 58 cân nhưng đến nay, ăn uống ngủ nghỉ được đã tăng lên 73 cân. Các công việc nhẹ nhàng ở nhà cũng đều có thể làm được, thậm chí việc hàn xì hoặc giám sát xây dựng trước kia nay làm cũng không thấy mệt mỏi. Bây giờ cứ đều đặn mỗi ngày, 6h sáng tôi chở con vượt 13km đến trường, trưa lại đón con về để vận động cơ thể cho khỏe khoắn, cảm giác như không thể ngồi yên một chỗ được".
Sau gần 2 năm ghép thận, bác Nguyễn Minh Đức, 68 tuổi, tại Hà Nội cho biết, sức khỏe đã tiến triển rất nhiều. Bác nói: “Trước kia, thận suy yếu lại thêm chứng tiểu đường, huyết áp tụt, tràn dịch phổi khiến cơ thể rệu rã chả muốn làm ăn gì, tưởng như không thể tồn tại được nữa. Liên tục tôi cứ phải sang BV Việt Đức tiến hành lọc máu nhân tạo, sau đó được tư vấn hướng dẫn đăng ký ghép thận tại BV”.
Trong quá trình chạy thận tại BV Việt Đức, người nhà bệnh nhân Đức cũng lăn lộn khắp nơi tìm nguồn hiến tạng nhưng tất cả chỉ trong vô vọng. Sau đó, các bác sĩ cho biết đã có nguồn thận từ người chết não phù hợp để ghép. “Sự sống như hồi sinh, tôi đã được đổi đời và từ bất đến nay luôn khỏe mạnh, vui vẻ, yêu đời trở lại với cuộc sống thường nhật”- bác Đức nói.
Đa số bệnh nhân được ghép tạng hiện nay đều tham gia sinh hoạt trong CLB ghép tạng với hơn 200 người, trong đó chủ yếu các ca ghép được thực hiện ở nước ngoài. Với các ca ghép tạng tại BV Việt Đức, sau ghép, BV vẫn theo dõi, kiểm tra định kỳ, cấp thuốc chống thải ghép cho bệnh nhân ổn định sức khỏe. Hồi sinh sự sống của nhiều người từ người cho chết não, đó là phép màu diệu kỳ mà các nhà ngoại khoa hàng đầu thế giới tại BV Việt Đức đã làm được khiến thần chết cũng chịu thua.
PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết, GĐ BV Việt Đức cho hay, BV Việt Đức là đơn vị đầu tiên lấy tạng từ người cho chết não để tiến hành ghép cho bệnh nhân. Đến nay đã có 12 ca ghép thận, 2 ca ghép tim, 3 ca ghép gan được phẫu thuật ghép thành công. Dù vậy, nhu cầu ghép hiện nay vẫn vô cùng lớn, nhiều bệnh nhân suy tim, suy gan, thận thực sự đang “ngắc ngoải” do không có nguồn tạng quý giá để ghép duy trì sự sống.
“Trên thế giới có đến 90% người chết não hiến tạng, chỉ có 10% từ người cho sống. Tại Đài Loan, người ta còn đồng ý hiến toàn bộ phần mềm của người chết não, chỉ giữ lại bộ xương nhưng ở VN, quan niệm “chết toàn thây” vẫn đè nặng lên tâm lý nhiều gia đình. Người chết não nhiều nhưng không ai chịu cho, bác sĩ sẵn sàng nhưng không có nguồn tạng để tiến hành ghép. Chưa nói đến việc hiến tạng cho người ngoài, ngay cả khi trong gia đình có người chết não nhưng do bất đồng quan điểm nên người họ hàng cũng “chịu chết”- ông Quyết trăn trở.
Các bác sĩ cũng cho rằng, hiến tạng cứu một mạng người hơn xây 7 tòa tháp, cộng đồng nên hiểu ý nghĩa nhân văn cao cả của việc làm này chứ không nên bó buộc trong quan niệm hẹp hòi, cũ kỹ. Thêm nữa, so với chi phí ghép ở nước ngoài, ghép tạng trong nước chỉ bằng 1/3, ít tốn kém, kỹ thuật lại tốt ngang bằng giảm gánh nặng chi phí cho gia đình và xã hội.
Giải đáp băn khoăn làm sao để biết được thực sự bệnh nhân đã chết não hay chưa, ông Quyết khẳng định: “Việc giám định người chết não là chính xác 100%. Chúng tôi có Hội đồng chuyên môn gồm 5-7 giáo sư, bác sĩ chuyên khoa thần kinh, hồi sức, giải phẫu bệnh lý… nên dám chắc để nói rằng, việc xác định người chết não là chính xác tuyệt đối”.
Ông Quyết cũng đề xuất Bộ Y tế nên cấp thẻ hiến tạng cho người đăng ký hiến nếu chẳng may chết não và kiến nghị cần có các hoạt động tôn vinh động viên tinh thần, giúp đỡ kinh tế ít nhiều cho thân nhân, gia đình người chết não tình nguyện hiến tạng cứu người để có thêm nhiều hơn nữa những nghĩa cử cao đẹp.
Theo Lao động