Tin trong nước
Sốc phản vệ vì ăn... rươi
Cập nhật: 26/11/2013
Chỉ chưa đầy 20 ngày, các bệnh viện trên địa bàn Hà Nội đã tiếp nhận khá nhiều ca dị ứng nặng do ăn rươi nhập viện. Trong số đó, có bệnh nhân bị tụt huyết áp, trụy mạch...
Một miếng nhỏ cũng gây sốc
Đây là trường hợp của bệnh nhân P.M.T, 33 tuổi ở Từ Liêm, Hà Nội, cấp cứu tại Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai, Hà Nội trong tình trạng khó thở nặng, toàn thân phù nề, nổi ban, nói khó, chóng mặt, nôn, tụt huyết áp. Theo người nhà bệnh nhân, do có tiền sử dị ứng với một số thức ăn lạ nên khi nhà làm chả rươi, bệnh nhân đã ăn “rất dè dặt”, chỉ một miếng nhỏ. Sau khi ăn khoảng 10 phút, bệnh nhân thấy lưỡi, môi bị tê bì, sau đó cảm giác tê bì lan ra toàn cơ thể. Dù đã cố gắng gây nôn, nhưng chỉ chưa đầy 30 phút sau khi ăn, bệnh nhân khó thở và chóng mặt, không thể tự đi lại.
May mắn hơn bệnh nhân P.M.T, chị V.T.T.H, 30 tuổi ở Đốc Ngữ, Ba Đình, Hà Nội, sau khi ăn chả rươi thấy cảm giác ngứa toàn thân, nổi mẩn đỏ và tiêu chảy đã được gia đình đưa ngay vào BV Quân đội 354 cấp cứu. Cũng trong ngày chị H. cấp cứu, BV Quân đội 354 cũng tiếp nhận thêm 2 ca khác đều là “nạn nhân” của ngộ độc rươi.
Gần đây nhất ngày 21/11, Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai tiếp nhận bệnh nhân T.L.L, 22 tuổi ở Thạch Thất, Hà Nội. Do đã từng bị ngộ độc rươi cách đây nhiều năm nên L. hoàn toàn “cạch mặt” món ăn được coi là đặc sản ngon bổ nổi tiếng này. Đi ăn sinh nhật một người bạn, L. tưởng món chả rươi là chả thịt lợn thông thường nên gắp ăn ngon lành. Đến khi phát hiện miếng “chả lợn” có vỏ quýt cũng là lúc L. sưng phồng hết mặt, mắt sưng híp lên, nôn và khó thở. L. đi cấp cứu trong tình trạng tụt huyết áp, lạnh run toàn thân, khó thở, xét nghiệm thấy máu cô đặc vì mất nước do nôn và đi ngoài quá nhiều...
Đến bệnh viện ngay khi có dấu hiệu bất thường
Trao đổi với PV chiều ngày 25/11, TS. Phạm Duệ, Giám đốc Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai cho biết: Rươi là loại thực phẩm giàu đạm, đạm trong thịt rươi có nhiều chất khác với đạm trong thịt lợn, thịt bò nên dễ gây dị ứng. Khi ăn rươi, cơ thể sẽ hấp thu lượng đạm như một dị nguyên, ngấm vào ruột, vào máu, gây phản ứng cho cơ thể. Ngoài ra, để bảo quản rươi được lâu, nhiều người dân hay các nhà hàng, quán ăn thường bảo quản rươi trong tủ lạnh. Việc bảo quản lạnh quá lâu, không đúng quy trình, không hợp vệ sinh có thể khiến rươi bị nhiễm độc tố của vi khuẩn, trong đó thường gặp nhất là độc tố tụ cầu gây tiêu chảy.
TS. Phạm Duệ cảnh báo: Nếu sau khi ăn rươi xuất hiện các triệu chứng như mẩn ngứa, nổi ban, có thể tê bì vùng lưỡi, miệng, hoặc tê bì toàn bộ vùng mặt, chân tay; người bệnh cũng có thể bị nôn, đi ngoài; những trường hợp nặng có thể bị tụt huyết áp, suy hô hấp, trụy tim mạch, hôn mê, mất ý thức... cần đưa ngay người bệnh đến bệnh viện gần nhất để được cấp cứu.
Bởi các triệu chứng ngộ độc rươi có thể xuất hiện từ từ sau vài giờ hoặc nửa ngày sau khi ăn, nhưng cũng có những trường hợp tối cấp, triệu chứng ngộ độc sẽ xuất hiện sau ăn khoảng 30 phút, gây ra phản ứng sốc phản vệ và bệnh nhân có thể tử vong nhanh chóng nếu không được cấp cứu kịp thời.
Những người có tiền sử dị ứng với một số thức ăn giàu đạm như hải sản, nhộng... nên tránh ăn rươi. Đặc biệt lần ngộ độc sau sẽ nặng và nguy hiểm hơn lần ngộ độc trước rất nhiều do cơ thể phản ứng mạnh với dị nguyên gây ngộ độc nên người dân cần thận trọng khi ăn các thức ăn lạ.
Theo Sức khỏe và Đời sống
Tin liên quan