Tin trong nước
Nằm hành lang, ghép giường vì bệnh nhi tay-chân-miệng tăng cao
Bệnh viện phải kê thường giường xếp, tăng cường lực lượng, phương tiện để phục vụ bệnh nhi nhập viện do tay chân miệng nhưng không giảm áp lực quá tải.
Thống kê của Khoa y học nhiệt đới, Trung tâm Phụ sản – Nhi (Bệnh viện Đà Nẵng) cho biết, hiện trung bình mỗi ngày có đến trên dưới 20 bệnh nhi tay chân miệng (TCM) nhập viện điều trị. Số lượng bệnh nhi tăng cao từ hơn một tuần nay và vẫn chưa có dấu hiệu chững lại. Chỉ tính riêng ngày 21/2 đã có thêm 37 bệnh nhi TCM nhập viện.
Theo một bác sĩ khoa Y học nhiệt đới: hiện số lượng bệnh nhi TCM đến chiều cùng ngày (21/2) tăng lên gần 150 ca, nhưng khoa chỉ có chừng 70 giường nên tình trạng quá tải diễn ra phổ biến. Dù trung tâm đã bố trí, kê thêm 45 giường xếp dọc các hành lang và khoảng trống bên ngoài giường bệnh nhưng không đáp ứng hết số lượng bệnh nhi điều trị nội trú. Nhiều trường hợp phải nằm ghép giường.
Tại Khoa Hồi sức cấp cứu, Trung tâm Phụ sản – nhi, những ngày qua đơn vị tiếp nhận điều trị nội trú khoảng 15 bệnh nhi TCM cấp độ nặng, từ 2B1 đến cấp độ 4. Nhiều loại máy như đo nhịp tim, huyết áp được tăng cường từ Bệnh viện Đà Nẵng sang hỗ trợ. Bên cạnh đó, khoa này không có giường để điều trị riêng cho các bệnh nhân TCM nên phải dành một khu vực riêng, cạnh bệnh nhi tim để tiếp nhận bệnh nhân.
Lãnh đạo Trung tâm lo ngại, tình trạng mắc TCM diễn biến phức tạp và có xu hướng gia tăng, đặc biệt là số lượng bệnh nhi TCM cấp độ nặng. Đà Nẵng xuất hiện một trường hợp mắc Enterovirus 71, gây bệnh tay chân miệng cấp độ nặng và làm cháu Nguyễn Anh Khoa (22 tháng tuổi, Hòa Xuân, Cẩm Lệ, TP. Đà Nẵng) tử vong.
“Thể tối cấp là loại bệnh TCM nặng nhất, bệnh diễn tiến rất nhanh, có các biến chứng nặng như suy tuần hoàn, suy hô hấp và gây tử vong chỉ trong vòng 24 – 48 tiếng”, một bác sĩ cảnh báo.
Theo bác sĩ Nguyễn Văn Nhữ, Khoa Y học Nhiệt đới: Trước đây bệnh chủ yếu xuất hiện ở trẻ dưới 2 tuổi, nhưng hiện nay có nhiều cháu 3 – 5 tuổi vẫn dễ mắc bệnh này.
Trung tâm Y tế dự phòng TP. Đà Nẵng cho hay: thống kê đến ngày 20/2, trên địa bàn đã có hơn 80 ca TCM, tăng cao so với cùng kỳ và đang có xu hướng tăng nhanh. Nhiều điểm nóng của bệnh TCM xuất hiện ở một số địa phương như quận Hải Châu (21 ca), Thanh Khê (10 ca), Liên Chiểu (10 ca)…
Bác sĩ Nguyễn Tam Lãm, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm và vaccine sinh phẩm, Trung tâm Y tế dự phòng Đà Nẵng khuyến cáo người dân, vệ sinh cá nhân, rửa tay cho trẻ bằng xà phòng; làm sạch bề mặt và khử trùng các dụng cụ, vật dụng nhiễm bẩn, chất tiết của bệnh nhân bằng dung dịch chloramin B 2% hoặc các dung dịch khác. Không để trẻ mút tay hoặc đưa đồ chơi vào miệng; thu gom và xử lý triệt để phân và chất thải của bệnh nhân. Khi có biểu hiện sốt, loét miệng, phỏng nước ở lòng bàn tay chân, vùng mông, đầu gối kèm các dấu hiệu biến chứng thần kinh hoặc tim mạch như rung giật cơ, đi loạng choạng, ngủ gà, yếu liệt chi, mạch nhanh thì đưa trẻ đến cơ sở y tế để khám và điều trị kịp thời.
Lớp có trẻ mắc tay chân miệng phải nghỉ học 10 ngày |
Ngày 21/2, Sở GD-ĐT Đà Nẵng cho hay đã có công văn gửi các cơ sở giáo dục mầm non (GDMN) trên địa bàn thành phố về việc tăng cường chăm sóc trẻ, phòng chống dịch tay chân miệng. Ông Lê Trung Chinh, giám đốc Sở GD-ĐT Đà Nẵng cho hay: Trường hợp có trẻ mắc bệnh tay chân miệng phải cho lớp đó nghỉ học 10 ngày kể từ ngày khởi bệnh của ca cuối cùng để cắt đứt đường lây truyền. * Tại Quảng Nam: Theo thông tin từ Phòng Giáo dục & Đào tạo huyện Đông Giang (Quảng Nam), Phòng đã đồng ý cho trường mầm non Liên Hợp (thị trấn P’rao) và trường Mẫu giáo Sơn Ca (xã Ba) được nghỉ học một thời gian để đề phòng bệnh TCM lây lan trên diện rộng. X.T - Hà Kiều |
Theo Bee.net