Tin trong nước
Bộ trưởng Y tế: Giá dịch vụ y tế còn thấp
Báo cáo trước UBTVQH sáng nay (26/3), Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhận định về nguồn thu từ BHYT, viện phí, lệ phí khác: “Do giá dịch vụ thấp, chưa tính đủ các chi phí để thực hiện dịch vụ nên nhà nước bao cấp cho cả người có khả năng chi trả toàn bộ chi phí, chưa huy động được sự đóng góp hợp lý của các tầng lớp nhân dân để thực hiện được chủ trương xã hội hóa công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân”.
Lý giải về việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế ngày 14/5/2012 tới đây, báo cáo số 267/BC-BYT, ngày 23/3/2012, của Bộ Y tế cho biết: “Do mức thu một phần viện phí ban hành từ năm 1995, đến nay đã 17 năm và một số dịch vụ ban hành năm 2006, đến nay cũng đã 6 năm, mới chỉ tính bằng 30 - 50% chi phí trực tiếp tại thời điểm ban hành nhưng đến nay vẫn chưa được điều chỉnh cho phù hợp. Trong khi giá cả tăng, chỉ số giá tiêu dùng chung năm 2011 so với 1995 là 3,4 lần, tiền lương tối thiểu tăng 6,9 lần”.
“Trước tình hình đó, Bộ Y tế và Bộ Tài chính đã báo cáo Thủ tưởng Chính phủ ban hành Thông tư liên tịch số 04/2012/TTLT ngày 29/2/2012 về mức giá tối đa của 447 dịch vụ kỹ thuật y tế đã ban hành từ năm 1995 và một số dịch vụ ban hành năm 2006”.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến: “Việc điều chỉnh này là rất cần thiết, nhằm bảo đảm quyền lợi cho người bệnh có thẻ BHYT”. Bà Kim Tiến cũng cho rằng thông tư này ra đời “sẽ tác động tích cực đối với cả người bệnh, cơ sở khám chữa bệnh, Nhà nước và BHYT” và khẳng định “đợt thay đổi giá dịch vụ y tế lần này không làm ảnh hưởng nhiều đến những nhóm người nghèo và gia đình chính sách”.
Đáng chú ý là Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết: “Đối với những người không có thẻ BHYT thì sẽ bị ảnh hưởng khi điều chỉnh giá dịch vụ y tế”. Trong khi đó trong chính báo cáo của Bộ Y tế đã chỉ ra rằng: “Còn gần 40% dân số chưa có thẻ BHYT, trong đó chủ yếu là những nhóm khó vận động tham gia như người cận nghèo, người lao động tại các khu vực phi chính thức”.
Theo báo cáo số 267/BC-BYT ngày 23/3/2012 của Bộ Y tế “về bảo đảm nguồn lực đáp ứng yêu cầu phòng bệnh, chữa bệnh cho nhân dân và vấn đề điều chỉnh khung giá viện phí”, tính chung ngân sách Nhà nước dành cho y tế hiện nay khoảng 7% tổng chi ngân sách Nhà nước/năm, nếu tính cả Trái phiếu Chính phủ thì đạt khoảng 7,55%. Cụ thể năm 2011, tổng chi cho y tế khoảng 54.700 tỷ đồng. |
Theo Bee.net.vn