Tin trong nước
Bộ Y tế Viện phí sẽ còn tăng nữa
Theo Bộ Y tế, tới đây viện phí sẽ tính cả cơ cấu lương, phụ cấp cho nhân viên y tế; chi phí đào tạo nghiên cứu khoa học… nên sẽ còn tăng nữa.
Ông Vũ Xuân Bằng, Phó trưởng ban Chính sách BHYT, lưu ý: Bộ Y tế cần kiểm soát tình trạng lạm dụng kỹ thuật, đặc biệt khi đã điều chỉnh giá tăng, vì nhiều cơ sở khám chữa bệnh chỉ định thực hiện các dịch vụ kỹ thuật, sử dụng máy móc thiết bị được trang bị từ nguồn vốn xã hội hóa quá mức cần thiết, so với tình trạng bệnh lý; kê sai số lượng, đơn giá thuốc, lạm dụng khám cận lâm sàng (chụp chiếu, xét nghiệm), thậm chí bệnh nhân nằm ghép vẫn phải thanh toán mỗi người/định suất giường bệnh.
Tại các BV, tình trạng xã hội hóa không chỉ là các thiết bị hiện đại, đắt tiền mà còn xã hội hóa các thiết bị “phổ thông” như siêu âm đen trắng. Đây là thiết bị có tần suất sử dụng rất lớn, có thể lên đến 60-80% trong số bệnh nhân vào khám ở các BV lớn.
“Với mức điều chỉnh giá được phê duyệt, chi phí cho đợt điều trị ước tăng 30-40%. Do đó, nếu không có BHYT thì người dân chắc chắn sẽ gặp những khó khăn nhất định.
Trong khi đó, hiện vẫn còn gần 40% người chưa tham gia BHYT. Ngay cả người có thẻ BHYT thì mức chi trả (5-20%) khi viện phí tăng cũng gây khó khăn nhất định”, ông Bằng phân tích.
Bộ Y tế cho biết, đến thời điểm này đã có 21 bệnh viện (BV) T.Ư được phê duyệt khung giá viện phí mới, mức giá trung bình 90-95% so với khung giá tối đa. Trước mắt, sau 3 tháng triển khai, các BV phải có báo cáo đầy đủ số thu theo giá mới, chi tiết theo nhóm dịch vụ và so sánh với giá cũ để có đánh giá, kịp thời phát hiện bất hợp lý nếu có.
Bộ Y tế cũng xác định, hiện tại cơ cấu giá mới chỉ tính các yếu tố trực tiếp, nhưng tới đây viện phí sẽ tính cả cơ cấu cho lương, phụ cấp cho nhân viên y tế; chi phí đào tạo nghiên cứu khoa học; khấu hao nhà cửa thiết bị y tế lớn, nghĩa là giá dịch vụ y tế sẽ tiến đến tính đúng, tính đủ, và sẽ còn tăng thêm so với hiện tại.
“Do đó mong muốn cháy bỏng của chúng tôi là BHYT toàn dân”, Bộ trưởng Kim Tiến nói. Theo bà Tiến, một thẻ BHYT khoảng 500.000 đồng/năm nhưng khi vào viện, mức thanh toán có thể lên đến cả trăm triệu đồng với bệnh nặng, còn bình thường cũng 5-7 triệu đồng, giảm gánh nặng cho người bệnh”.
Hiện nay, theo quy định người bệnh có thẻ BHYT sẽ được thanh toán 80% chi phí khám, chữa bệnh với các trường hợp đúng tuyến, 30% với các trường hợp trái tuyến theo khung giá mới áp dụng.
Một tháng (13-14 lần) đưa con đến BV Chợ Rẫy chạy thận, ông T. (54 tuổi, Q.Gò Vấp) phải bỏ ra hơn 6 triệu đồng dù được BHYT thanh toán 80%. Do mức giá chạy thận nhân tạo định kỳ tăng 53% (từ 300.000 đồng lên 460.000 đồng) nên nay ông T. lại phải bỏ ra số tiền gần 10 triệu đồng (chưa kể thuốc và các chi phí khác).
Theo Báo Thanh niên