Tin trong nước
Việc sán có trong trứng rất ít xảy ra
Sán lá cũng như một số loại ký sinh trùng khác, có thể có mặt ở rất nhiều nội quan của vật nuôi. Người ta thường dựa vào vị trí chúng thường cư trú để gọi tên. Ví như sán lá phổi ký sinh ở phổi, sán lá ruột ký sinh ở ruột... và sán Prosthogonimus ovatus - loại sán ký sinh ở cơ quan sinh dục cái của loài chim, cụ thể là buồng trứng.
Trứng là tế bào sinh dục của loài chim, trong đó có gà. Nhìn chung, sự hình thành tế bào sinh dục và sự phát triển của chúng thành cơ thể mới là điều vô cùng diệu kỳ, tinh tế và rất huyền bí, được kiểm soát rất chặt chẽ. Chẳng hạn, người ta đã từng chứng kiến nhiều trường hợp gà mẹ bị nhiễm nhiều loại vi trùng, virus... nhưng trứng vẫn “sạch”.
Vì nhau thai ở động vật có vú và ống dẫn trứng ở loại chim có cơ chế lọc rất tinh vi. Khi trong ống dẫn trứng đã có lòng đỏ “rơi” vào hay còn gọi rụng trứng thì các tuyến rất nhỏ trên thành ống dẫn trứng bắt đầu “bơm” các phân tử albumin và globulin (lòng trắng), nước bọc xung quanh lòng đỏ... để hình thành nên lòng trắng trứng. Toàn bộ những chất khác, vật thể khác dù nhỏ như virus, vi khuẩn cũng khó mà lọt qua được hệ thống này.
Con sán được đề cập trong các thông tin, là một vật thể tương đối lớn, lại chui qua được các tuyến của ống dẫn trứng để vào lòng trắng. Nếu đã xảy ra thì chỉ là một trường hợp vô cùng hiếm hoi, xác suất xảy ra có thể nói là vô cùng thấp: Một phần triệu đến hàng trăm triệu. Trường hợp này chỉ có thể xảy ra khi mà trên ống dẫn trứng có sán đồng thời niêm mạc ở một khu vực nào đó của ống dẫn trứng bị tổn thương để con sán “chui” qua từ đó lọt vào lòng trắng. Nhưng cần lưu ý, ngay cả trong trường hợp này có xảy ra đi thì phần lớn gà mái đã bị ngừng đẻ.
Vì thế, chúng ta cần bình tĩnh, sáng suốt để không bị tâm lý lo ngại quá mức cần thiết, ảnh hưởng đến quá trình tiêu thụ trứng trên thị trường, đến đời sống và sản xuất của người dân.