Tin trong nước
Lộ diện nhiều bệnh lạ y học “bó tay” trong năm 2012
1. Bệnh dày sừng lòng bàn tay chân ở Quảng Ngãi
Ẩn sau cái tên rất “hiền”, bệnh viêm da bàn tay, bàn chân đã gây ra hàng chục cái chết cho người dân ở xã Ba Điền (Ba Tơ, Quảng Ngãi) và có dấu hiệu lây lan sang 5 xã khác bởi ngoài biểu hiện ngoài da, chán ăn, buồn nôn, rụng tóc… bệnh còn gây tổn thương rất nghiêm trọng bên trong cơ thể, đặc biệt là nội tạng. Bệnh nhân tử vong do suy gan, tổn thương cơ tim, tắc mật, hội chứng dạ dày chứ không phải là do lòng bàn tay, bàn chân da nổi lên lớp dày giống vết bỏng hay các vết loét xuất hiện cả trong miệng, lưng, bụng.
Liên tục cử nhiều đoàn cán bộ chuyên trách, từ quốc phòng đến viện các bệnh lâm sàng nhiệt đới, từ Bộ Y tế tới các tổ chức quốc tế; nhiều giả thiết về nguyên nhân gây bệnh là do nguồn nước, tập tục ăn gạo lên men… được đưa ra nhưng đến nay bệnh viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân vẫn chưa tìm ra được nguyên nhân và cách chữa.
Các chuyên gia của WHO khẳng định đây là bệnh chưa từng xuất hiện trên thế giới.
Căn bệnh vẫn đang là nỗi sợ hãi của người dân Quảng Ngãi và là câu hỏi với ngành Y.
2. Hiện tượng tóc kết thành khối
Gần 3 năm trở qua, hễ ra ngoài hay ở nhà, chị Lưu Thị H. (SN 1982, ở Thanh Miện, tỉnh Hải Dương) đều chụp một tấm vải lên để che đi khối tóc bện chặt nhiều hình thù kỳ dị của mình. Chỉ đến khi mở lớp vải bọc tóc mới thấy cả khối tóc trên đầu không đen bóng mà ánh vàng, xơ xác. Ngoài 1 số sợi tóc lẻ loi lơ thơ bên vành tai, còn lại nhiều sợi tóc kết lại với nhau thành “dây”, những “dây” này lại bết chặt với nhau tạo thành khối trông rất đáng sợ và cứ khoảng 3 tháng, mái tóc lại đổi hình dạng khác.
Ngày mới bị bệnh, chị H. cùng gia đình đã đi đến rất nhiều bệnh viện ở TPHCM nhưng sau khi khám thì bác sỹ đều bảo không biết là bệnh gì nên cũng không thể chữa trị được.
3. Cậu bé 2 tuổi khổng lồ
Sinh ra hoàn toàn khoẻ mạnh, cân nặng bình thường (bé nặng 2,9kg) nhưng ngay sau đó, bé Hồng Anh (ở Mường Chiềng, Hoà Bình) đã tăng cân rất nhanh dù chỉ bú sữa mẹ. Cụ thể tháng đầu lên 1,5kg, tháng thứ 2 lên 2kg và đến tháng thứ 4 mẹ phải nấu cháo loãng, tháng thứ 5 ăn cơm và sau 1 tháng, cân nặng của bé đã đạt 15kg. Còn hiện nay, cân nặng của cậu bé 2 tuổi này tăng gấp đôi so với hồi tròn 5 tháng.
Cả gia đình đều thấp bé, chế độ dinh dưỡng cũng hoàn toàn không có gì đặc biệt (sau sữa mẹ, bé ăn chủ yếu là cơm chan mắm).
Lo lắng cho sức khỏe con, vợ chồng chị Tin đã đưa bé xuống Bệnh viện đa khoa Hòa Bình để bác sĩ thăm khám. Tuy nhiên, thăm khám, xét nghiệm các kiểu, mà các bác sĩ không tìm ra bệnh gì. Hiện bé cũng chưa được đưa lên tuyến trên thăm khám để xem nhận định của các chuyên gia y tế là béo phì hay rối loạn chuyển hoá có chính xác.
Theo Dân trí.