Tin trong nước
Lựa chọn giới tính thai nhi: Biết cấm vẫn làm?!
Phóng viên báo Sức khỏe & Đời sống phát hiện và điều tra một phòng khám chẩn đoán giới tính thai nhi ngay trong lòng thành phố Hà Nội.
Từ thông tin phản ánh của bạn đọc, phóng viên (PV) báo Sức khỏe&Đời sống đã thâm nhập và được chứng kiến các công đoạn phục vụ cho việc chẩn đoán giới tính thai nhi trái phép.
Lựa chọn giới tính trước sinh là hành vi vi phạm nghiêm trọng Pháp lệnh Dân số và là hành vi vô nhân đạo. Điều đau lòng và đáng lên án là chủ nhân thực sự của việc làm này lại chính là các bậc cha mẹ.
Sau phát hiện của phóng viên báo SK&ĐS, chiều 10/8/2012, Thanh tra Sở Y tế Hà Nội đã tiến hành làm việc với BS. Nguyễn Trọng Lượng, chủ Phòng khám đa khoa tư nhân 3A và ra quyết định xử phạt hơn 40 triệu đồng, tước giấy phép hành nghề và đình chỉ hoạt động của phòng khám 9 tháng... đối với những hành vi vi phạm của phòng khám này. Thông tin cụ thể mời bạn đọc theo dõi tiếp bài 2 “Cơ quan chức năng vào cuộc” trên báo SK&ĐS số 130 thứ ba, ra ngày 14/8/2012. |
Phải rập rình hẹn lên hẹn xuống đến mấy lần, chúng tôi mới tiếp cận được với nhóm bạn H.N. và T.L. ở Hà Nội để được “tháp tùng” các cô tới địa điểm xét nghiệm máu chẩn đoán giới tính thai nhi. Phòng khám là một ngôi nhà khá rộng, nằm ngay mặt tiền của đường Nguyễn Chánh, Phùng Hưng, quận Hà Đông, Hà Nội.
Không giống như hầu hết các phòng khám đang tọa lạc ở khu vực này thường có diện tích chật hẹp, Phòng khám 3A có không gian khá thoáng đãng, rộng rãi. Bên trong phòng khám được chia làm nhiều khu vực, có cả những băng ghế nhựa dài dành cho bệnh nhân ngồi chờ.
Vừa thấy chúng tôi đi vào, một số nhân viên y tế ở đây đon đả tiến đến hỏi lý do đến khám. Khi biết đã có điện thoại hẹn trước để siêu âm thai và xét nghiệm máu chẩn đoán giới tính thai nhi, một trong số các nhân viên bảo chúng tôi ngồi đợi vì đang có bệnh nhân siêu âm.
Trong vai người thân của T.L, vì sốt ruột chồng L. là con trai duy nhất nối dõi tông đường, trong khi L. đã sinh liền 2 con gái trước đó, chúng tôi xin phép bác sĩ được vào trong phòng khám cùng sản phụ. Phòng siêu âm nhỏ, kê được 2 chiếc giường y tế và một bộ bàn máy siêu âm, máy tính. Sau khi trình bày “mong muốn” của gia đình (dù đã trao đổi qua điện thoại trước đó), vị bác sĩ cầm đầu dò siêu âm và bắt đầu công việc.
Bác sĩ giải thích với sản phụ rằng, cần phải kiểm tra bằng siêu âm trước để xem thai có bình thường hay không, có đủ tuần, đủ tuổi để làm được xét nghiệm hay không. Sau khi có kết quả siêu âm thai nhi 8 tuần 3 ngày tuổi, lấy lý do người bạn trước đi làm xét nghiệm chẩn đoán thai nhi ở tuần thứ 7,5, còn người nhà mình thai nhi lớn hơn, độ chính xác liệu có giảm? Vị bác sĩ thủng thẳng: “Càng lớn càng dễ chẩn đoán, càng chính xác”.
Sau công đoạn siêu âm là công đoạn lấy máu để xét nghiệm giới tính thai nhi. Nếu sản phụ đồng ý làm (hầu như tất cả các sản phụ tìm đến đây đều với mục đích muốn biết giới tính của thai nhi), sẽ ra ngoài khu vực chờ khám trước đó để nộp tiền cho nhân viên y tế. Số tiền phải nộp cho việc xét nghiệm này là 4 triệu đồng. Theo lời bác sĩ, kết quả sẽ có sau một tuần và chính bác sĩ sẽ là người gọi điện thoại trực tiếp cho sản phụ để thông báo giới tính của thai nhi theo “ám hiệu” được quy định là “âm tính - con gái” và ngược lại thai nhi sẽ là con trai.
Tổng số tiền mà chúng tôi phải trả cho lần đi siêu âm, xét nghiệm này là 4.150.000 đồng, bao gồm 150.000 đồng tiền siêu âm và 4.000.000 đồng để xét nghiệm chẩn đoán giới tính thai nhi. Rời khỏi phòng khám, L. chẳng hề quan tâm đến số tiền vừa phải bỏ ra, chỉ thấp thỏm chờ mong một tuần nữa để được thông báo về giới tính của đứa trẻ. “Chồng em con một, em hai đứa con gái rồi, nếu lần này là trai thì em mới để, còn nếu không...” L. bỏ lửng câu nói.
* Các nghiên cứu thực tế cho thấy, xuất phát điểm đầu tiên của việc lựa chọn giới tính thai nhi là việc biết trước giới tính của thai nhi. Kết quả điều tra biến động dân số 2007 cho thấy, tỷ lệ phụ nữ biết giới tính của thai nhi trước khi sinh chiếm 63,5%. Tỷ lệ này biến đổi qua các năm, năm 2003 - 2004 tỷ lệ phụ nữ biết giới tính của con mình trước khi sinh là 61%, đến năm 2005 - 2006 tỷ lệ này tăng lên đến 66%. Trong số những người biết trước giới tính thai nhi có 98% biết qua phương pháp siêu âm, tỷ lệ số người biết giới tính của con trong thời gian sau 16 tuần mang thai là 80%. Tỷ lệ các ca phá thai lựa chọn giới tính chiếm khoảng 8% là phụ nữ chưa có con trai. Báo cáo này cũng nhận định rằng nếu thừa nhận tỷ lệ phụ nữ chưa có con trai biết giới tính thai nhi trước sinh là 63,5% thì tỷ lệ phá thai lựa chọn sẽ vào khoảng 13%. (UNFPA, 2009). Trên thực tế, có thể khá dễ dàng tìm thấy địa chỉ các địa điểm hay các “công đoạn” để tiếp cận, thực hiện dịch vụ lựa chọn giới tính thai nhi. Từ phương pháp thực hiện (bắt mạch, xét nghiệm máu, gene nước ối, tế bào, siêu âm...) đến các địa chỉ “uy tín, tin cậy”... đều có thể tìm thấy chỉ sau một cú click chuột trên bàn phím. * Lựa chọn giới tính thai nhi đang là vấn đề được các nhà nghiên cứu và các chuyên gia trong lĩnh vực dân số đặc biệt quan tâm. Việc lựa chọn giới tính thai nhi đã dẫn đến một hệ lụy xã hội đó là sự chênh lệch giới tính khi sinh đang ngày càng trở thành vấn đề nan giải trong xã hội. Chỉ tính riêng tại Hà Nội từ đầu năm đến nay, số trẻ sinh ra tăng đáng kể so với cùng kỳ năm trước do tâm lý của đa phần người dân cho rằng sinh con vào năm Rồng là năm đẹp. Đặc biệt, cũng tồn tại một tâm lý nữa là năm Nhâm Thìn, sinh con trai tốt hơn sinh con gái khiến cho xu hướng tìm mọi cách để sinh được con trai trong năm 2012 càng trở nên phổ biến. Theo Chi cục DS - KHHGĐ Hà Nội, trong số hơn 40.000 trẻ được sinh ra trên địa bàn thành phố từ đầu năm đến nay, bình quân cứ 100 trẻ gái thì lại có tới 115 trẻ trai được sinh ra. Tại nhiều quận/huyện, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh đã trở nên đặc biệt nghiêm trọng như: Hà Đông (130/100), Đông Anh (128/100), Tây Hồ (120/100)… |
Theo Suckhoe&doisong.