Hỏi đáp
Ở trẻ em rất hay gặp sổ mũi, ho tái đi tái lại. Một trong những nguyên nhân thường gặp nhất ở lứa tuổi này là bị viêm VA. trẻ thường bị nghẹt mũi (khi ngủ há miệng) chảy mũi kéo dài
Trả lời:
Chào Chị T...!
Vì thông tin của chị chưa rõ ví dụ: khó thở hay nghẹ mũi (nếu nghẹt mũi thì khi ta há miệng thì vẫn thở bình thường, chảy nước mũi trong như nước hay đặc mủ? nhức đầu vùng nào, tính chất nhức ra sao nên chúng tôi chỉ có thể đưa ra một số gợi ý để chị tham khảo
Nếu khó thở thì đó là bệnh ở dưới mũi hoặc bệnh toàn thân (ví dụ hen suyễn, viêm phổi, suy tim, thiếu máu,vv…). Nếu nghẹt mũi, chảy mũi nước, hắt hơi kéo dài thì có thể do viêm mũi dị ứng, viêm mũi vận mạch. Nếu nghẹt mũi, chảy mũi nhầy mủ có thể hôi thì có thể do viêm mũi, viêm xoang, viêm VA (tồn dư). Chảy máu mũi có thể gặp trong nhiều bệnh lý của mũi họng, giai đoạn đầu cảm mạo do sung huyết có thể có dây máu lẫn trong mũi nhưng thoáng qua. U vòm, U mũi xoang cũng có thể gây chảy máu mũi kéo dài và lượng nhiều. để xác định chúng ta cần nội soi mũi, vòm họng vì nếu chỉ khám bằng đèn đầu sẽ rất khó thấy đôi khi bỏ sót bệnh. Ung thư vòm là một trong những ung thư hàng đầu ở Việt nam, các triệu chứng thường gặp của ung thư vòm là nhức đầu, chảy máu mũi, nghẹt mũi, hạch cạnh cổ nổi (đôi khi rất sớm). khối u của vòm diễn tiến rất thất thường, giai đoạn đầu thường nhỏ khó phát hiện nên nhất thiết phải nội soi vòm nếu nghi ngờ sẽ bấm sinh thiết sẽ cho chẩn đoán chính xác. Ung thư vòm nếu phát hiện sớm thì điều trị (xạ trị) cho kết quả rất tốt. Chúc Chị mau lành bệnh
TS.BS. Trần Anh Tuấn
Bé 27 tháng tuổi bị sổ mũi kéo dài điều trị không dứt
Trả lời:
Ở trẻ em rất hay gặp sổ mũi, ho tái đi tái lại. Một trong những nguyên nhân thường gặp nhất ở lứa tuổi này là bị viêm VA. trẻ thường bị nghẹt mũi (khi ngủ há miệng) chảy mũi kéo dài, lúc đầu trong sau có thể đục và đặc, đàm họng làm trẻ ho, khò khè. Nếu để lâu trẻ có thể bị biến chứng viêm tai giữa, đau tai, nghễnh ngãng. nếu viêm amiđan đơn thuần thường không nghẹt mũi, chảy mũi. khám bệnh cần nội soi hoặc chụp xq sọ nghiêng hoặc bs sờ vòm mới phát hiện được VA. Chị có thể đưa cháu đến Bệnh viện Đại học Y dược Cơ sở 2 201 Nguyễn Chí Thanh Q5 để chúng tôi kiểm tra.
TS.BS. Trần Anh Tuấn
Anh Nguyễn Chí L ở TPHCM hỏi lùng bùng ở tai là bệnh gì, sau khi ngoáy tai bệnh nặng hơn
Trả lời:
Chào bạn Nguyễn Chí L
Cảm giác lùng bùng ở tai có thể do nhiều bệnh gây ra, thường gặp là viêm tai giữa, viêm mũi họng tắc vòi nhĩ hoặc viêm ống tai ngoài. Chẩn đoán bằng nội soi tai và mũi họng, đo thính lực đồ, nếu cần có thể chụp CT Scan. Việc bạn dùng que bông ngoáy tai là việc không nên làm vì không giải quyết được tình trạng bệnh tật thậm chí có thể làm bệnh tình nặng hơn (đẩy ráy tai vào sâu hơn, làm mất chất bảo vệ ống tai gây viêm tai ngoài hoặc nấm tai (có thể trong trường hợp của bạn). Bạn nên đến khám chuyên khoa tai mũi họng để được khám và điều trị.
Chúc bạn mau lành bệnh
TS.BS. Trần Anh Tuấn
Hỏi về bệnh méo miệng
Trả lời:
Chào Bạn P
Méo miệng, chảy nước mắt cùng bên do mắt nhắm không kín có thể có mất nếp mũi má và mất nếp nhăn trán cùng bên méo là do liệt dây thần kinh VII ngoại biên ở bên liệt. Tình trạng liệt VII ngoại biên có thể do chấn thương tai, đầu, hoặc bệnh lý ở tai giữa (thường là do viêm tai giữa mạn có cholesteatoma, bệnh nhân có chảy mủ tai lâu ngày, mủ hôi) còn nếu tai bình thường thì rất có thể liệt tk VII do lạnh hoặc siêu vi. Rất may đa số tình trạng liệt đột ngột do lạnh hoặc siêu vi sẽ hồi phục sau một thời gian. Điều trị chủ yếu là chống viêm, vitamin liều cao, tăng tuần hoàn ở tai. Châm cứu cũng hữu ích. Nên đưa Mẹ đi khám để loại trừ các bệnh ở tai trước và được điều trị thích hợp. Chúc Mẹ Bạn mau lành bệnh
TS.BS. Trần Anh Tuấn
Cách xử trí trường hợp thủng màng nhĩ do bị tát tai
Trả lời:
Ống tai ngoài được ví như một cái thùng mà đáy của nó là màng nhĩ, khi bị đánh hoặc tát vào cửa tai, do bị tức khí nên có thể phá vỡ màng nhĩ, khi đó bệnh nhân thường bị ù tai, chảy máu tai, có thể nghe kém hơn tai bên kia. Rất may nếu được điều trị kịp thời và thích hợp, không bị nhiễm trùng thì đa phần các trường hợp này màng nhĩ đều tự lành lại. Bạn cần đến khám bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng, thường được điều trị bằng kháng sinh, kháng viêm và giảm đau. Tuyệt đối không được tự ý dùng các thuốc nhỏ tai, rửa tai vì có thể làm nhiễm trùng tai giữa hậu quả màng nhĩ sẽ không tự lành lại được. Phẫu thuật vá nhĩ cần được thực hiện ở những bệnh viện, trung tâm tai mũi họng chuyên sâu.
Chúc Bạn mau lành bệnh
TS.BS. Trần Anh Tuấn
Viêm tai giữa cấp ở trẻ em
Trả lời:
Đa số các bệnh về tai đều có nguyên nhân từ mũi họng đưa vào (thông qua vòi Eustachy là một ống nối thông giữa tai giữa và họng mũi). Ở trẻ em như lứa tuổi của cháu thường rất hay bị bệnh về mũi họng như viêm mũi, viêm VA do đó các cháu cũng rất thường bị bệnh về tai, đặc biệt là viêm tai giữa cấp, thanh dịch, thủng màng nhĩ,….mới bị 16 ngày chưa gọi là mạn tính, thông thường một đợt điều trị tối thiểu cần 1-2 tuần lễ. Nếu điều trị kịp thời và đúng cách bởi các thầy thuốc tai mũi họng thì tiên lượng bệnh nói chung rất tốt. Chúc cháu mau lành bệnh.
TS.BS. Trần Anh Tuấn
Vá màng nhĩ có phục hồi chức năng nghe? có tái phát? và chi phí là bao nhiêu?
Trả lời:
Chào Bạn M
Màng nhĩ ngăn cách giữa tai giữa và tai ngoài có vai trò trong cơ chế truyền âm từ tai ngoài vào tai trong đồng thời giúp bảo vệ tai giữa khỏi viêm nhiễm. Khi màng nhĩ bị thủng, các chức năng trên bị ảnh hưởng, bệnh nhân sẽ nghe kém, tai giữa dễ bị viêm, chảy mủ tái đi tái lại. Tùy vào tình trạng tai giữa bị viêm nhiễm ra sao cũng như chức năng nghe đã bị ảnh hưởng thế nào mà tiên lượng phục hồi sức nghe có trở về bình thường hay chỉ cải thiện một phần. Nói chung mổ càng sớm khi chức năng của tai còn tốt thì kết quả phục hồi sẽ tốt hơn. Mổ vá màng nhĩ lại là đưa màng nhĩ trở về tình trạng gần như lúc ban đầu khi chưa bị bệnh nên nếu những nguyên nhân gây ra viêm tai giữa vẫn còn (Đa phần các nguyên nhân gây ra bệnh về tai là ở vùng mũi họng) thì vẫn có khả năng tái phát. Nên điều trị sớm các yếu tố nguyên nhân nếu có. Chi phí mổ vá màng nhĩ tổng cộng khoảng 10 triệu đồng.
Rất hân hạnh được phục vụ Bạn.
TS.BS. Trần Anh Tuấn
Chảy mũi kéo dài ở trẻ em
Trả lời:
Ở lứa tuổi như con chị rất hay bị sổ mũi, chảy mũi, ho khò khè, mà một trong những nguyên nhân thường gặp nhất đó là viêm VA. Cháu bé có chảy mũi kéo dài, lúc đầu trong sau đục mủ, nghẹt mũi làm cháu phải há miệng thở, để lâu có thể gây biến chứng như viêm phổi, phế quản, viêm tai giữa thanh dịch, ảnh hưởng đến sự phát triển sọ mặt, oxy não, vv. Cần khám và điều trị chuyên khoa tai mũi họng, nếu điều trị nội khoa không hết và có chỉ định nạo VA (xem bài khi nào cần cắt amiđan, nạo VA) thì nên nạo VA cho cháu. Nhỏ nước muối sinh lý mũi thường xuyên là tốt. cần giữ ấm, cho ăn uống đầy đủ để tăng cường sức khỏe. Điều trị nội khoa người ta thường dùng kháng sinh (nhóm betalactam hoặc cephalosporin nếu có nhiễm trùng, chảy mủ), kháng viêm, chống dị ứng (celestamin,…), giảm đau hạ sốt nếu có (Efferalgan, …)
TS.BS Trần Anh Tuấn
Bị hôi miệng kéo dài
Trả lời:
Chúng tôi hiểu những băn khoăn lo lắng của Bạn, tuy nhiên xin bạn đừng quá lo lắng, tình trạng bệnh kéo dài của bạn đã ít nhiều ảnh hưởng đến tâm lý của bạn làm cho tình hình có vẻ trầm trọng hơn.
Nguyên nhân thường gây hôi miệng:
Bệnh lý ở miệng: sâu răng, vôi răng, viêm amiđan hốc mủ, nấm
Bệnh lý ở mũi xoang: viêm xoang mủ nhất là các xoang sau, viêm xoang hàm do răng, ozene mũi, u hạt ác tính giữa mặt
Bệnh lý ở dạ dày: trào ngược dạ dày, đầy hơi, ợ hơi, ợ chua
Theo như bạn kể, dù chưa đầy đủ chúng tôi nghĩ nhiều đến 3 nguyên nhân: viêm amiđan hốc mủ, viêm xoang mủ và trào ngược dạ dày hoặc phối hợp các nguyên nhân đó.
Bạn có tình trạng ra các hạt như hạt gạo, rất hôi, uống thuốc kháng sinh hết được một thời gian lại bị rất phù hợp với amiđan hốc mủ. amiđan có các hốc thức ăn sẽ kẹt vào đó, tạo điều kiện để vi khuẩn phát triển tạo mùi hôi. khi uống kháng sinh vi khuẩn chết nên hết hôi nhưng sau đó thức ăn lại kẹt vào sẽ gây hôi miệng trở lại. Điều trị bằng cắt amiđan sẽ hết. để chẩn đoán viêm xoang, bạn đi nội soi tai mũi họng và chụp CT Scan xoang sẽ biết chính xác. Nếu hai nguyên nhân kia không còn mà bạn vẫn hôi miệng rát có thể bạn bị trào ngược dạ dày, có cảm giác lình bình khó tiêu, ợ hơi ợ chua. Chúng tôi xin nhắc lại, tâm lý của bạn cũng góp phần làm bệnh tình của bạn có vẻ trầm trọng hơn.
Chúc bạn mau lành bệnh để yêu đời, yêu người hơn bạn nhé.
TS.BS. Trần Anh Tuấn
Bị cảm và ù tai nhưng đang mang thai có uống thuốc được không
Trả lời:
Ho chảy mũi 2 ngày rất có thể bạn đang bị cảm cúm, thường là do siêu vi. Thông thường bệnh sẽ tự khỏi trong khoảng 1 tuần. Hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu mà chỉ điều trị triệu chứng, nâng tổng trạng. Tuy nhiên Bạn đang mang thai đặc biệt là 3 tháng đầu của thai kỳ, về nguyên tắc không nên dùng thuốc, nếu quá khó chịu thì có thể dùng một số thuốc nhưng phải do bác sĩ chuyên khoa chỉ định vì nếu không sẽ ảnh hưởng không tốt đến thai nhi. Nếu nghẹt mũi, Bạn có thể sử dụng nước muối sinh lý xịt mũi thường xuyên. Bệnh lý mũi xoang sẽ ảnh hưởng đến chức năng của tai do đó bạn nên đến khám chuyên khoa tai mũi họng. Tuyệt đối không được tự ý dùng thuốc.