Kiến thức y học phổ thông
Sừng hóa họng - Bệnh của người trẻ tuổi?
Họng bị sừng hóa hay sừng hóa họng là một thể bệnh viêm họng hiếm gặp, chỉ chiếm tỷ lệ khoảng 0,001% các bệnh lý tai mũi họng nên thường khó chẩn đoán và dễ chẩn đoán nhầm. Đặc biệt, bệnh thường gặp ở những người dưới 40 tuổi.
Sừng hóa họng là hiện tượng lớp biểu mô trụ, có lông chuyển và các tuyến chế tiết khu trú tại các tổ chức lympho trong vòng bạch huyết Waldeyer bị biến đổi trở thành các tế bào biểu bì giống như bề mặt da. Nguyên nhân của bệnh được cho là do niêm mạc họng bị viêm thường xuyên dẫn đến rối loạn sự trưởng thành của niêm mạc ở các khe amidan. Các tế bào này không còn chức năng bảo vệ, hô hấp giống như cấu tạo ban đầu của niêm mạc họng mà tạo thành các đám giống như những cái gai. Sừng hóa họng thường gặp ở những người dưới 40 tuổi.
Các thể của sừng hóa họng Tùy theo vị trí của các khối gai sừng mà người ta phân chia sừng hóa họng thành nhiều thể lâm sàng để tiện cho việc điều trị: Thể thanh quản: gai sừng lan tràn xuống tận băng thanh thất. Thể vòi Eustachi (vòi nối từ họng sang tai giữa): gai sừng lan xung quanh loa vòi tai, nhất là ở amidan vòi. Thể tập trung: các gai sừng dài độ 2mm, tập trung lại thành từng cụm hình thành những mào gà hoặc những đám mịn như nhung, màu trắng bệch hoặc xám tro tại amidan. |
Bệnh diễn biến một cách trầm lặng, bệnh nhân thường không rõ bệnh bắt đầu từ khi nào. Bệnh nhân đến khám tai mũi họng sau khi tình cờ há họng soi gương thấy có những điểm trắng trên amidan. Khai thác tiền sử các bệnh về tai mũi họng bao giờ bệnh nhân cũng cho biết được chẩn đoán nhiều lần là viêm họng mạn tính với các triệu chứng như nuốt vướng, nuốt thấy nghẹn ở họng, hay phải đằng hắng.
Tiến hành thăm khám phát hiện thấy trên bề mặt amidan có nhiều điểm trắng nhọn hình nón, to bằng hạt gạo, xuất phát từ các khe amidan giống như những cái gai cụt. Gai không cứng nhưng chắc như sừng và bám chặt vào amidan. Dùng que bông để lấy bỏ rất khó nhưng cũng không chảy máu. Muốn lấy bỏ phải dùng kẹp phẫu tích lôi ra nhưng động tác này làm đau bệnh nhân và gây chảy máu.
Dùng gương thanh quản số 4 soi hạ họng thấy ở amidan lưỡi cũng có những đặc điểm giống như trên với các kích thước khác nhau, có khối to bằng hạt đậu xanh, có khối to bằng đầu que diêm. Hình dáng giống như những cái đinh bằng bạc đóng vào gỗ. Niêm mạc họng gần như bình thường, đây đó có vài đảo lympho - hạt ở họng - hơi đỏ. Cổ không có hạch, thể trạng tốt. Bệnh nhân ăn uống bình thường. Diễn biến bệnh kéo dài trong nhiều tuần hoặc nhiều tháng. Bệnh lui một cách đột ngột và thường cũng không cần phải điều trị.
Chẩn đoán quyết định dựa vào hình dạng của các gai giống như đầu đinh, các gai này dính chặt vào amidan, niêm mạc xung quanh bình thường trên những bệnh nhân có tiền sử viêm họng mạn tính. Cũng cần phải chẩn đoán phân biệt với một số bệnh có đặc điểm chung là tồn tại những điểm trắng trên amidan:
Viêm amidan cấp mủ: có những điểm trắng nhìn qua giống như gai sừng nhưng dùng tăm bông chùi nhẹ đã hết, hơn nữa niêm mạc xung quanh viêm đỏ và toàn thân bệnh nhân có sốt.
Viêm amidan khe mạn tính: bã đậu kết hợp lại thành khối trắng ở miệng khe. Lúc nặn amidan bã đậu sẽ phọt ra.
Bạch hầu: giả mạc thành từng mảng và lan rộng khắp họng. Hạch cổ sưng kèm theo tình trạng nhiễm khuẩn, nhiễm độc.
Không có thuốc điều trị đặc hiệu bệnh sừng hóa họng nên để tự nhiên bệnh có thể tự khỏi. Nếu bệnh nhân có những biểu hiện nuốt vướng, nuốt nghẹn, chỉ điều trị triệu chứng nhằm giảm khó chịu cho bệnh nhân bằng một số thuốc như xịt họng tại chỗ, an thần, kháng viêm.
Nếu bệnh đã lan rộng xuống tận amidan đáy lưỡi hoặc loa vòi Eustachi, băng thanh thất thì đốt bằng đông điện.
Ở những người viêm họng mạn tính, pH vùng họng chuyển sang môi trường axit do đó nên súc họng thường xuyên bằng những dung dịch có tính kiềm nhẹ để điều hòa pH trở về môi trường kiềm, tránh những rối loạn phát sinh của niêm mạc họng. Kiêng rượu bia, thuốc lá, chất cay, lạnh...
Theo Suckhoe&doisong.