Kiến thức y học phổ thông
Nhận biết bệnh lao ở trẻ em
Trẻ em có bị bệnh lao không? Nhận biết trẻ mắc bệnh lao bằng cách nào?
Phạm Thị Dung (Tuyên Quang)
Bệnh lao ở trẻ em là một trong các thể lao nặng vì trẻ chưa có khả năng miễn dịch đầy đủ, sức còn yếu nên bệnh thường nặng. Cần nghĩ tới trẻ bị mắc lao khi trẻ có các dấu hiệu: gầy yếu, cân nặng và thể trạng không tương xứng với độ tuổi; không lên cân hoặc sụt cân trong vòng 4 tuần; sốt hoặc thân nhiệt tăng trên 1 tuần không rõ nguyên nhân; ho khò khè như kiểu ho gà; trẻ lớn kêu tức ngực, khó thở, đau vùng ngực; trướng bụng, đặc biệt nếu sờ thấy một khối lổn nhổn trong ổ bụng, tẩy giun rồi vẫn còn; trẻ hay bị rối loạn tiêu hóa: tiêu chảy, kéo dài, phân trắng, đã dùng thuốc tẩy giun và các thuốc điều trị chứng bệnh này mà không đỡ; cứng đốt sống cổ, cúi người xuống nhặt các vật ở dưới đất khó khăn, không muốn cúi. Đi tập tễnh không phải do đau chân; gù cột sống, sưng khớp, khớp cứng không phải do chấn thương. Đau khi đi lại, các hạch ngoại biên sưng, căng, không đau; hoặc rò mủ ra ngoài, mủ trắng như bã đậu; trẻ bẳn tính, thay đổi tính nết, hay cáu gắt, hay quấy khóc, trẻ suy dinh dưỡng; trong nhà có người bị bệnh lao hoặc có người hay ho khạc kéo dài. Khi trẻ có các dấu hiệu trên cần đưa trẻ đi khám chuyên khoa lao để xác định bệnh. Nếu đã đúng bệnh, việc điều trị phải do thầy thuốc chuyên khoa quyết định. Điều trị lao tại viện hay ngoại trú tùy theo bệnh nặng hay nhẹ. Thời gian điều trị kéo dài (nhiều tháng). Dùng thuốc phải đúng liều, đúng thời gian (chú ý phát hiện kịp thời các tác dụng phụ của thuốc). Chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ bệnh rất quan trọng trong hiệu quả điều trị.
BS. Lê Văn Sơn
Theo Sức khỏe & Đời sống