Kiến thức y học phổ thông
Kỹ thuật tiêm mỡ bụng chữa liệt dây thanh: Không còn câm lặng!
Những bệnh nhân bị liệt dây thanh và mất đi giọng nói tìm đến khoa Tai mũi họng, BV Nhân dân Gia Định (TP.HCM) ngày càng nhiều kể từ khi phương pháp tiêm mỡ bụng tự thân để chữa liệt dây thanh được công bố… Hàng trăm bệnh nhân đã không còn câm lặng và tìm lại được âm thanh của con người sau ca phẫu thuật ngắn. Điều đó cũng có nghĩa rằng: các bác sĩ đã không còn phải “lặng câm” trước nhiều ca bệnh khó.
Chúng tôi đang muốn nói đến ca phẫu thuật mới nhất do TS.BS. Trần Việt Hồng - Trưởng khoa Tai mũi họng, BV Nhân dân Gia Định và các đồng nghiệp thực hiện khi “trả lại giọng nói” cho bệnh nhân Lê Văn Nhiều (63 tuổi, ngụ tại Vũng Tàu). Ông Nhiều bị liệt dây thanh bên trái đã 18 tháng do mổ tuyến giáp. Trước khi phẫu thuật, gần như ông Nhiều đã hoàn toàn “mất quyền giao tiếp” khi không thể phát âm đơn giản.
Thế nhưng, chỉ sau chưa đầy một giờ phẫu thuật, ra khỏi phòng mổ và tỉnh trở lại, ông Nhiều đã hân hoan mở lời và “thông báo” với người nhà: “Các con ơi! Bố nói được rồi!”. Niềm vui vỡ òa với ông và người nhà vì một năm rưỡi qua, cả nhà đã rất buồn vì cha con, chồng vợ, ông cháu không thể tâm tình, chia sẻ cùng nhau rồi… Ông Nhiều được xuất viện đúng ngày 8/3 và qua điện thoại, ông khoe mình đã có thể nói lời chúc mừng Ngày Quốc tế phụ nữ với vợ và các con, các cháu gái. Đây là ca mổ mới nhất của TS.BS. Hồng.
Hôm chúng tôi đến tìm TS.BS. Hồng để phỏng vấn về phương pháp này, câu chuyện thường xuyên bị gián đoạn bởi các cuộc điện thoại của bệnh nhân và người nhà để xin BS lịch hẹn tới thăm khám và phẫu thuật. Có những bệnh nhân tuổi cao như ông Đỗ Văn Kỳ (67 tuổi, ở Tân Bình, TP.HCM). 4 năm nay, ông Kỳ đã không thể nói năng bình thường sau khi điều trị một khối u vùng cổ.
Mở loa ngoài và nghe “giọng” của bệnh nhân qua điện thoại (thực ra chỉ BS có chuyên môn mới “đoán” được bệnh nhân nói gì vì phát âm đã bị thay đổi - PV) và cũng được chứng kiến bệnh nhân này vào ngày 9/3 vừa thoát mê tại phòng mổ đã nói được rõ tiếng “Cảm ơn bác sĩ”. TS.BS. Trần Việt Hồng cho biết, bệnh nhân bị liệt dây thanh không nghiêm trọng lắm nhưng do đã để kéo dài 4 năm, dây thanh teo lại nên việc điều trị tiêm mỡ phức tạp hơn các trường hợp mới mắc.
Theo TS.BS. Hồng, bệnh nhân bị liệt dây thanh ngày càng tăng và do nhiều nguyên nhân như: sau phẫu thuật tuyến giáp, các phẫu thuật vùng cổ, trung thất, sọ não, chấn thương sọ não, chấn thương vùng cổ sau tai nạn giao thông hay mắc các bệnh lý nội khoa (lao, tai biến mạch máu não, xạ trị vùng cổ) và một số không rõ nguyên nhân. Tuy nhiên, việc điều trị hiệu quả bằng bơm mỡ bụng tự thân đã mở ra cơ hội cho hàng ngàn bệnh nhân đang cần được điều trị để tìm lại giọng nói. Hiện đã có hơn 100 bệnh nhân được trả lại giọng nói tại BV Nhân dân Gia Định bằng phương pháp này.
Theo GS.TS. Nguyễn Hữu Khôi - nguyên Chủ nhiệm bộ môn TMH Bệnh viện ĐHYD TP.HCM, liệt dây thanh là một bệnh rất khó và điều trị rất phức tạp. Do đó, với những BN đột nhiên thấy khàn giọng, phát âm hụt hơi, ăn uống hay bị sặc, ảnh hưởng đến công việc và sinh hoạt hằng ngày thì phải đến ngay các cơ sở chuyên khoa tai mũi họng để được khám. Cũng theo GS. Khôi, hiện nay, trên thế giới có 4 phương pháp chính điều trị liệt dây thanh bao gồm:
Để dây thanh bên lành hoạt động, tăng mức hoạt động để bù đắp sang dây thanh bệnh. Việc này đòi hỏi người bệnh và thầy thuốc phải hết sức kiên trì, ngày nào cũng tập nhiều lần và tập trong nhiều tuần, tháng, năm cho nên mất rất nhiều thời gian để tập luyện, nhiều bệnh nhân không theo được và kết quả không đạt được như mong muốn vì tiếng nói vẫn khó trở lại bình thường.
2. Phẫu thuật: Phẫu thuật cổ, tìm bên dây thanh liệt và độn một chất để dây thanh được đẩy ra. “Chất” độn có thể là những vật liệu sinh học nhưng lâu ngày hoạt động có thể bên độn bị di lệch hoặc bị dị ứng. Việc mổ xâm lấn gây sẹo ở cổ khiến nhiều bệnh nhân không hài lòng.
3. Nối dây thần kinh: Dây thần kinh bị liệt sẽ được nối vào dây thần kinh ở cổ hoặc dây thần kinh số 12. Nhưng việc nối dây thần kinh khá phức tạp, rất tinh tế và đòi hỏi phải là những chuyên viên giàu kinh nghiệm. Hiện không có nhiều ca được thực hiện trên thế giới.
4. Tiêm vật liệu vào dây thanh: Qua nội soi, chất tiêm này có thể là mỡ, là collagen hoặc keo sinh học… làm cho dây thanh bên liệt đầy lên, tiến sát gần vào dây thanh bên lành để khi phát âm thì dây thanh bên lành sẽ chạm vào dây thanh bên liệt, thanh môn được khép kín. GS. Khôi cho biết, kỹ thuật tiêm mỡ tự thân vào dây thanh bị liệt đã được nhiều nước ứng dụng gần 20 năm nay. Một số trường hợp phục hồi ngay sau khi vừa rời phòng mổ, cũng có BN hồi phục sau khoảng một tuần.
Theo BS. Hồng, khi điều trị bằng phương pháp này, các BS sẽ lấy khoảng 1ml mỡ ở vùng bụng của bệnh nhân và xử lý để tiêm vào dây thanh nhằm giúp thanh môn khép kín lại khi phát âm. BN được xuất viện sau một ngày điều trị. So với việc tiêm collagen, keo sinh học… (các vật liệu này có giá thành cao, dễ bị đào thải, gây dị ứng, bơm không đúng cách thì coi như thất bại, không làm lại được), tiêm mỡ tự thân vào dây thanh bằng phương pháp nội soi là thủ thuật hiệu quả, đáp ứng sinh học tốt, chi phí thấp và hầu như không có tai biến trong và sau mổ.
Khó khăn duy nhất của phương pháp này là đòi hỏi BS phải có kinh nghiệm và đôi bàn tay khéo léo (vì dây thanh rất mỏng manh, mỡ cũng rất khó bơm và phải bơm nhẹ nhàng, “đều tay” như máy). Thêm vào đó, cơ sở thực hiện phải có đầy đủ trang thiết bị phục vụ việc xử lý mỡ và phẫu thuật. Về vấn đề này, PGS.TS.BS. Hoàng Quốc Hòa - Giám đốc Bệnh viện Nhân dân Gia Định cho biết, trong những năm qua, BV đã không ngừng đầu tư cơ sở vật chất, phát triển chuyên môn sâu và triển khai nhiều kỹ thuật hiện đại.
Kỹ thuật bơm mỡ tự thân để điều trị liệt dây thanh là phương pháp mới lần đầu tiên thực hiện và thành công ở Việt Nam. “Với phương pháp điều trị này, các BS trả lại giọng nói bình thường cho người bệnh với chi phí ít hơn nhiều so với phải ra nước ngoài điều trị và người bệnh không phải mang khuyết tật giọng nói suốt đời”, PGS.TS.BS. Hòa chia sẻ.
Ðể có được thành công hôm nay, TS.BS. Trần Việt Hồng đã trải qua hàng chục năm nghiên cứu và thực hành trên các loại động vật thí nghiệm. Ban đầu là tìm công thức pha chế trên mỡ động vật và tiêm thử cho động vật. Sau đó là tìm cách làm sao để mỡ có độ lỏng vừa phải cũng hết sức khó khăn. “Cửa ải” cuối cùng trong nghiên cứu cũng là “tu luyện” để làm sao khi tiêm mỡ chui lọt qua đầu kim bé xíu một cách trơn tru (vì nhiều khi mỡ “vón” làm vỡ cả xilanh). Giờ đây thì khác, “bàn tay vàng” của người thầy thuốc đã hoàn toàn làm chủ kỹ thuật và đang dốc lòng “chuyển giao”, cầm tay chỉ việc cho các đồng nghiệp trẻ trong BV có thể sớm thực hiện được kỹ thuật. Một điều khá thú vị là để có thể lấy lại được giọng nói “chuẩn” của bệnh nhân, TS.BS. Hồng đã nhờ đến sự giúp đỡ của các giáo sư ngôn ngữ học đầu ngành hướng dẫn cách phân tích âm. Theo TS.BS. Hồng, để phân tích âm, trước tiên là ghi âm giọng nói của bệnh nhân trước và sau mổ. Giọng sau mổ sẽ được sử dụng phần mềm và đưa vào máy phân tích âm. Khi phân tích âm thì nó cho ra các chỉ số và chỉ số này là chỉ số âm học, chỉ số khách quan. Phân tích âm ở Việt Nam hiện nay trong ngành TMH được coi là rất mới dù bên ngôn ngữ học đã được sử dụng nhiều. Trong tương lai, việc phân tích âm chắc chắn sẽ được ứng dụng nhiều hơn và phục vụ hiệu quả hơn cho việc điều trị liên quan tới phát âm trong chuyên ngành TMH. |
Theo Suckhoe&doisong