Kiến thức y học phổ thông
Thuốc dùng trị viêm họng miệng
Viêm họng miệng là hiện tượng niêm mạc, các tuyến xuất tiết cũng như lợi bị viêm nhiễm do vi khuẩn, virut hoặc nấm. Bên cạnh việc dùng kháng sinh theo đường uống thì việc điều trị tại chỗ mang tính quyết định...
Thuốc súc họng
Thuốc được bào chế dưới dạng bột hoặc dung dịch với ba nhóm:
- Kháng sinh súc họng: Loại kháng sinh được sử dụng nhiều nhất để pha chế các thuốc súc họng là tyrothricine như veybirol-tyrothricine.
- Sát khuẩn: các thuốc sát khuẩn như bétadine gargle, givalex, BBM- muối borat, muối bicarbonat và methol…
- Trung hòa pH: nước muối 0,9%, natribicarbonat…
Các thuốc súc họng thường cho thêm một số chất làm dịu, làm mềm niêm mạc họng, giảm đau, giảm viêm, chống dị ứng tại chỗ như benzocaine, menthol, muối salicylate, hexetidine…
Sử dụng như thế nào?
Thuốc súc họng thường dùng trên hai lần một ngày, một hai ngụm đầu súc thật sạch họng sau đó ngậm thuốc súc họng trong 5-10 phút rồi nhổ thuốc ra, tuyệt đối không nuốt thuốc. Mỗi lần sử dụng từ 15-30ml dung dịch và súc cho đến hết. Tuy nhiên, có một số thuốc sử dụng với thời gian ngắn hơn, ví dụ listerin chỉ ngậm trong miệng 30 giây ngay sau khi đánh răng để thuốc tồn tại lâu hơn ở niêm mạc họng miệng.
Đối với phụ nữ có thai hoặc cho con bú, việc sử dụng thuốc súc tại chỗ khi bị viêm nhiễm vùng họng đem lại kết quả và độ an toàn cao. Tuy nhiên, thuốc súc họng cũng có một tỷ lệ nhỏ hấp thu vào máu và qua đó vào cơ thể của thai nhi theo nhau thai hoặc vào cơ thể trẻ còn bú qua sữa. Vì vậy, cần tuân thủ chặt chẽ theo hướng dẫn của thầy thuốc. Tốt nhất chỉ nên dùng dung dịch nước muối nhạt để súc họng.
Một số lưu ý khi sử dụng thuốc súc họng:
Bệnh nhân hay sử dụng thuốc súc họng tùy tiện mà không có chỉ định của thầy thuốc tai - mũi - họng. Thuốc súc họng cũng được chỉ định theo bệnh và lứa tuổi tùy theo nguyên nhân gây bệnh. Ví dụ, eludril chỉ dùng cho người lớn và trẻ em trên 6 tuổi, bétadine dùng cho trẻ em trên 30 tháng tuổi và cho những người không có bệnh lý về tuyến giáp. Thuốc súc họng không được sử dụng ở những bệnh nhân có tiền sử dị ứng với bất kỳ thành phần nào của thuốc.
Thuốc súc họng thường được sử dụng dưới 10 ngày trừ nước muối. Nếu sử dụng quá dài ngày cũng gây nên tình trạng mất cân bằng sinh thái của lớp thảm vi khuẩn tại họng và gây ra một số bệnh như nấm họng, viêm loét họng, mất sức đề kháng vùng họng và càng tạo điều kiện cho vi khuẩn gây bệnh.
Pha nước muối để súc họng cũng chỉ pha nhạt như nước canh thường ăn, nếu pha nhạt quá nước muối sẽ ít tác dụng sát trùng và trung hòa pH hoặc nếu mặn quá lại gây tổn thương niêm mạc vùng họng.
Không nên sử dụng cùng một lúc nhiều loại thuốc súc họng cùng có thành phần giống nhau.
Hiện nay, người ta thống kê được nhiều tác dụng không mong muốn của thuốc súc họng đối với vùng thuốc tiếp xúc, thậm chí là toàn thân như phát ban, ngứa họng và miệng, phồng rộp môi, mặt đỏ, toát mồ hôi hoặc có thể sốc phản vệ và tử vong. Nếu gặp bất cứ dấu hiệu nào mà người sử dụng thuốc thấy có biểu hiện bất thường, phải dừng ngay việc súc họng và báo cho bác sĩ biết để xử trí kịp thời, có thể thay thuốc hoặc điều trị bằng phương pháp khác.
Thuốc ngậm họng
Thuốc ngậm họng thường có dạng viên nén to, với các màu khác nhau tùy từng loại thuốc và có mùi vị rất dễ chịu. Thuốc ngậm tại chỗ vùng họng chủ yếu là thuốc sát khuẩn tại chỗ, kháng sinh, kháng viêm và kháng virut với thành phần: dextromethorphan, benzalkonium, benzocain, bacitracine muối kẽm, tyrothricin...
Một số thuốc còn chứa enzym lysozym phân giải vỏ bọc của vách tế bào vi khuẩn đồng thời có tác dụng kháng virut do thuốc là chất mang điện dương tạo nên phức hợp với các virut mang điện âm hoặc bảo vệ tế bào cơ thể chống lại sự xâm nhập của virut cùng với việc tham gia vào quá trình kháng viêm làm bất hoạt các yếu tố gây viêm trong tổ chức (protein và peptide) thành các phức hợp.
Papain chứa trong thuốc là một enzym phân giải protein, làm tan cục máu đông, vảy, tổ chức hoại tử, các độc tố của vi sinh vật và các protein nội sinh gây viêm. Bacintracin là một hỗn hợp các polypeptide diệt khuẩn tương tự về mặt hóa học, có tác dụng kháng lại nhiều tác nhân gây bệnh như tụ cầu khuẩn, Haemophilus, xoắn khuẩn, cầu khuẩn kỵ khí, lậu cầu, màng não cầu khuẩn…
Thuốc thường dùng cho người lớn và trẻ em trên 6 tuổi (không dùng cho trẻ nhỏ để tránh gây dị vật đường ăn và đường thở). Ngậm đến khi tan hết. Nếu dùng thuốc, đúng liều điều trị thuốc chỉ có tác dụng tại chỗ, không hấp thu vào máu nên không ảnh hưởng tới toàn thân, không làm thay đổi các thông số sinh học. Thời gian sử dụng thuốc do bác sĩ chỉ định, khoảng từ 8 - 15 ngày.
Người bệnh không được ngậm thuốc trong giai đoạn suy hô hấp cấp, cơn hen cấp, bệnh lý về gan cấp tính, người dị ứng với bất cứ thành phần nào của thuốc.
Đối với phụ nữ có thai và cho con bú, ho kéo dài mà chưa kiểm tra các bệnh lý về phổi, bệnh mũi xoang… cần thận trọng khi dùng các thuốc này.
Tác dụng phụ của thuốc thường xảy ra khi dùng không đúng liều chỉ định. Người sử dụng thuốc cảm thấy choáng váng, chóng mặt. Thuốc ngậm họng nếu sử dụng quá dài cũng gây nên tình trạng mất cân bằng sinh thái của lớp thảm vi khuẩn tại họng và gây ra một số bệnh như nấm họng, viêm loét họng, mất sức đề kháng vùng họng và càng tạo điều kiện cho vi khuẩn sinh sống tại đây gây bệnh. Người thường xuyên sử dụng thuốc ngậm họng hoặc quá liều làm tổn thương các tuyến chế tiết tại họng, gây tác dụng ngược lại là viêm loét họng. Tuyệt đối không sử dụng viên ngậm khi đang uống hoặc mới dừng các thuốc IMAO (thuốc chống trầm cảm) trong vòng 14 ngày.
Ai dễ bị viêm họng miệng? Viêm họng miệng có thể gặp ở bất kỳ lứa tuổi nào nhưng thường gặp ở những người hay sử dụng kháng sinh không hợp lý: tự ý dùng thuốc kháng sinh, thuốc ngậm họng không đúng chỉ định, không đúng bệnh, dùng không triệt để… hoặc những cơ thể mà sức đề kháng suy giảm như suy giảm miễn dịch mắc phải (HIV), sức đề kháng của niêm mạc họng miệng cũng như toàn thân giảm sút sau một đợt nhiễm virut, những người mắc hội chứng trào ngược dạ dày thực quản (lúc này pH vùng họng miệng thay đổi làm cho vi khuẩn tồn tại trong miệng gây bệnh). Bệnh nhân đến khám với biểu hiện hơi thở hôi hoặc thối. Lợi viêm đỏ dày lên, tăng tiết nước bọt trong khoang miệng làm bệnh nhân phải nhổ liên tục. Trong khoang miệng xuất hiện những chấm nhỏ, màu đỏ, trên bề mặt bị loét. Vết loét sẽ lan rộng dần nếu không được điều trị. Lúc này, bệnh nhân sốt và nuốt rất đau. Thuốc điều trị toàn thân thường sử dụng kháng sinh thông thường nhóm β lactam như ampicillin, amoxicillin, penicillin, cephalosporin... Tuy nhiên, việc điều trị tại chỗ mang tính quyết định. Thuốc hay dùng là súc họng, ngậm họng. |
TS.BS. Phạm Thị Bích Đào
Theo Suckhoe&doisong