Tin trong nước
Phòng chống bệnh tay - chân - miệng: Không thể coi là việc riêng của y tế
Sau gần 1 tháng phát động chiến dịch quốc gia phòng chống tay - chân - miệng (TCM) tại Hải Phòng, bệnh TCM vẫn diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương. Đứng trước tình hình đó, các địa phương, các cơ sở y tế đang vào cuộc rất khẩn trương. Nhưng, chỉ một mình ngành y tế “đơn thương độc mã” để phòng chống dịch sẽ khó mà đạt hiệu quả như mong muốn. Sau đây là ghi nhận của báo SK&ĐS tại một số địa phương.
Từ đầu năm 2012 đến nay tỉnh Kon Tum đã ghi nhận 55 trường hợp trẻ em mắc TCM tại 26 xã, phường, thị trấn của 7/9 huyện, thành phố của tỉnh. Trước tình hình đó, Sở Y tế đã yêu cầu BVĐK tỉnh, BVĐK khu vực Ngọc Hồi chuẩn bị đầy đủ số giường bệnh để tiếp nhận, cách ly và điều trị bệnh nhân; đồng thời chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cần thiết (nhân lực, trang thiết bị, thuốc men) hỗ trợ tuyến dưới khi có yêu cầu.
Mỗi bệnh viện thành lập 2 tổ lưu động cấp cứu, điều trị (mỗi tổ từ 5-7 thành viên) để sẵn sàng hỗ trợ chuyên môn, kỹ thuật cho tuyến dưới khi có yêu cầu hoặc khi có sự điều động của Sở Y tế. Về phía TTYTDP tỉnh, xây dựng kế hoạch đảm bảo thuốc gammaglobulin cho điều trị những trường hợp bệnh TCM nặng. Củng cố, kiện toàn và duy trì hoạt động của 3 đội chống dịch cơ động gồm các cán bộ dịch tễ, lâm sàng, xét nghiệm, xử lý môi trường... để triển khai các biện pháp phòng chống, đặc biệt tại hộ gia đình có bệnh nhân.
Cử cán bộ trực tiếp hướng dẫn giáo viên tổ chức làm vệ sinh môi trường, rửa tay đúng và thực hiện tốt 8 thông điệp truyền thông về phòng chống bệnh TCM. Điều chúng tôi lo lắng nhất đó là dù đã tuyên truyền rất mạnh nhưng ý thức phòng bệnh của người dân chuyển biến rất chậm. Việc rửa tay bằng xà phòng thường xuyên là cách tốt nhất để phòng bệnh nhưng qua giám sát rất ít hộ gia đình có xà phòng rửa tay ở trong nhà. Điều này cho thấy phải có sự vào cuộc của thôn, bản, hội phụ nữ... cùng với ngành y tế chống dịch.
Năm 2011, tổng số ca mắc TCM của Sóc Trăng gần 2.000 ca, trong đó có những huyện, thị có số mắc cao là Vĩnh Châu, Mỹ Tú, Long Phú, Châu Thành, thành phố Sóc Trăng.
Ngành y tế tập trung chỉ đạo 5 nhóm giải pháp chính phòng, chống dịch bệnh TCM và sốt xuất huyết từ nay đến cuối năm, gồm: huy động tổng lực các loại hình, phương tiện truyền thông thông tin dưới nhiều hình thức; chuẩn bị, bổ sung, cấp phát đầy đủ hóa chất tẩy độc khử trùng, thuốc, máy móc trang thiết bị để điều trị giảm tử vong và di chứng; tăng cường kiểm tra, giám sát các ca bệnh và thực hiện khoanh vùng, cách ly xử lý ổ dịch theo đúng quy định; xác định trách nhiệm của các cấp ủy đảng, kiện toàn Ban chỉ đạo các cấp, phân công trách nhiệm trong công tác thực hiện, kiểm tra, giám sát; chuẩn bị sẵn sàng kinh phí cho công tác dập dịch khi có dịch lớn xảy ra.
Thành lập và củng cố các đội chống dịch, đội cấp cứu cơ động và thiết lập hệ thống phòng chống dịch trên 3 lĩnh vực: truyền thông, giám sát dịch tễ và điều trị ca bệnh. Khó khăn lớn nhất trong công tác phòng, chống bệnh là vấn đề thiếu nhân sự, cán bộ phụ trách phòng, chống dịch kiêm nhiệm nhiều chương trình dự án phải triển khai. Hiện hệ thống y tế dự phòng của tỉnh không đủ cán bộ trong việc phòng chống dịch bệnh. Cần sự kết hợp của nhiều lực lượng, ban ngành, đoàn thể tại các địa phương trong công cuộc này. Việc tuyên truyền và cấp phát thuốc vệ sinh khử khuẩn chỉ được thực hiện tốt ở khu vực trường mầm non, mẫu giáo. Còn tại cộng đồng dân cư, ngành y tế chưa thể có điều kiện bám sát từng hộ dân.
Rút kinh nghiệm trong đợt cao điểm điều trị bệnh TCM năm 2011, năm nay BVĐK tỉnh Quảng Ngãi được sự chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Y tế đã bắt tay ngay vào công tác chuẩn bị từ rất sớm. Điều bệnh viện chúng tôi đặc biệt quan tâm đó là chuẩn bị tốt khâu cách ly ngay tại bệnh viện để phòng tránh việc lây chéo giữa các bệnh nhân và người nhà đi theo chăm sóc.
Bên cạnh đó, phối hợp với Trung tâm YTDP tỉnh thực hiện thường xuyên phun thuốc diệt khuẩn trong khuôn viên bệnh viện và các khoa phòng đảm bảo môi trường tốt nhất cho việc chăm sóc và điều trị bệnh nhân. Để điều trị bệnh nhân tốt nhất, việc không để thiếu thuốc, hóa chất cũng được chúng tôi quan tâm.
Năm nay bệnh viện có 4 máy thở dành để điều trị bệnh nhân nặng, trong trường hợp nếu bệnh nhân nặng tăng cao, bệnh viện đã có phương án huy động thêm máy thở từ các khoa phòng khác. Song song đó là việc bệnh viện duy trì 1 đội cấp cứu lưu động phòng chống dịch bệnh (3 bác sĩ, 6 điều dưỡng) sẵn sàng hỗ trợ tuyến dưới khi có yêu cầu.
Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng đã có Công văn số 581-CV/TU gửi các ban, ngành trong toàn thành phố yêu cầu tăng cường chỉ đạo công tác phòng, chống bệnh TCM, cúm gia cầm (H5N1) và các bệnh truyền nhiễm khác trên địa bàn.
Hiện bệnh TCM trên địa bàn thành phố vẫn diễn biến phức tạp, số ca mắc tăng cao tại tất cả các quận, huyện, Trung tâm YTDP Đà Nẵng vừa thành lập 7 tổ công tác với 14 cán bộ dịch tễ nhằm phối hợp với Đội y tế dự phòng các quận, huyện và trạm y tế xã, phường đến các tổ dân phố triển khai các biện pháp phòng, chống.
Bên cạnh giám sát ca bệnh tại các cơ sở thu dung điều trị, Trung tâm YTDP cũng thành lập tổ truyền thông - tư vấn phòng bệnh TCM tại Trung tâm Phụ sản - Nhi để tư vấn các biện pháp phòng ngừa, theo dõi bệnh TCM cho các bà mẹ, người nhà và người chăm sóc trẻ em.
Ngày 17/3, chúng tôi cũng đã tổ chức Lễ phát động chiến dịch phòng chống TCM trên toàn địa bàn, qua đó giúp các ban, ngành cùng nhân dân hiểu rõ hơn về bệnh này, đồng thời người dân thành phố, các bậc phụ huynh có con nhỏ ý thức hơn việc phòng bệnh cho gia đình và con em của chính họ. Hiện có 52/56 xã, phường của thành phố xuất hiện bệnh TCM.
Lạng Sơn có hơn 70% dân số là người dân tộc thiểu số nên gặp rất nhiều khó khăn trong công tác tuyên truyền phòng chống các dịch bệnh nói chung và bệnh TCM nói riêng. Vì số đông là đồng bào dân tộc thiểu số nên còn tồn tại nhiều hủ tục vì vậy khó vận động bà con có thói quen vệ sinh sạch sẽ và rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, do đó cần sự kiên trì, vận động thông hiểu về phong tục văn hóa của cán bộ làm công tác truyền thông về y tế.
Bệnh TCM ở Lạng Sơn hiện đã xuất hiện một số ca mắc ở hình thái chùm ca bệnh rải rác, chưa xuất hiện hình thức ổ dịch nhỏ hoặc phạm vi dịch lớn và cũng chưa ghi nhận trường hợp nào dương tính với chủng EV71. UBND tỉnh Lạng Sơn đã chỉ đạo công tác truyền thông đến tất cả các đơn vị hành chính từ thôn, bản, xã, phường, huyện, thị… đồng thời kiện toàn Ban chỉ đạo các cấp đẩy mạnh công tác truyền thông, duy trì thường xuyên tuyên truyền các biện pháp phòng chống bệnh TCM trên các phương tiện truyền thông.
Sẵn sàng tiếp nhận điều trị, hạn chế việc chuyển viện bệnh nhân tay - chân - miệng
Bệnh viện huyện Hải Hậu có 230 giường bệnh, gồm 40 bác sĩ, là bệnh viện hạng 2, phục vụ cho gần 300.000 dân. Năm 2011, bệnh viện chúng tôi cũng đã tiếp nhận điều trị một số các ca TCM trên địa bàn.
Trước thực tế bệnh TCM có thể bùng phát thành dịch, bệnh viện đã có sự chuẩn bị tích cực về trang thiết bị, các bác sĩ đều được tập huấn xử lý các trường hợp cấp cứu về căn bệnh này.
Nhằm chia sẻ khó khăn cho bệnh viện tuyến trên, bệnh viện chúng tôi cố gắng đáp ứng tốt nhất việc điều trị bệnh TCM ngay tại viện, hạn chế việc bệnh nhân phải chuyển lên tuyến trên.
Theo suckhoe&doisong